Là một người con miền Nam, cảm xúc của nhà văn trước ngày thống nhất non sông thế nào?
Như mọi người Việt Nam, tôi cũng bồi hồi mỗi khi tới ngày đất nước thống nhất. Theo từng giai đoạn, có lúc thì sốt ruột, lúc gần tới ngày giải phóng thì nôn nao. Tôi nhớ là năm 1966, cũng như nhiều đồng đội, tôi đã vào chiến trường miền Nam, đi bộ vượt Trường Sơn suốt bốn tháng. Hồi ấy dù chỉ nặng 44kg thôi nhưng tôi mang trên vai gần 30kg đủ thứ từ gạo, từ đồ dùng...với sự hăm hở của một người lính. Và ngày chiến thắng, cả dân tộc đều vỡ oà hạnh phúc, đâu riêng gì tôi.
Là tác giả của nhiều kịch bản phim nổi tiếng và rất nhiều các tác phẩm văn xuôi không thể quên như Chiếc lược ngà, Mùa gió chướng, Dòng sông thơ ấu...Trong ký ức tuổi thơ của rất nhiều người như cháu, thì nhà văn đã để lại những điều thực sự có giá trị. Trong các tác phẩm đó, ông thích nhất đứa con tinh thần nào của mình?
Mỗi tác phẩm của tôi đều có một kỷ niệm riêng gắn bó và tôi đều thích cả. Nhưng có lẽ tôi yêu nhất Đất lửa. Tiểu thuyết đầu tiên đó tôi viết từ năm 1952, năm đó tôi 20 tuổi, mà tận năm 1963 mới in được sau nhiều lần sửa chữa. Tôi đã gửi gắm cảm xúc của mình qua từng nhân vật trong đó. Tên là Đất lửa vì hồi đó đâu đâu cũng thấy nhà cháy, lầm than, đau khổ, biết bao nước mắt đã rơi.
Cơ duyên nào đưa ông đến với nghề nhiều khó nhọc này?
Tôi chẳng biết mình có máu văn chương hay không, vì hồi bé tôi học toán tốt thôi chứ học văn dở lắm. 14 tuổi tôi đã đi theo bộ đội, hồi bé làm liên lạc. Có thể do những cảm xúc lúc ấy mà thôi thúc tôi viết như một sự giải tỏa. Hồi đó đâu có gì mà đọc đâu, nên cứ viết thôi. Đất lửa chỉ nói về nỗi đau dân tộc khi đất nước bị chia cắt, chứ không có sự ca ngợi, không phải anh hùng ca, không có chiến công và thành tích.
Kỷ niệm khó quên với một tác phẩm liên quan đến chiến tranh của ông ngoài Đất lửa?
Chiếc lược ngà là truyện ngắn tôi viết trên đường khi trở lại miền Nam. Không bàn ghế, tôi đã viết khi ngồi trên một chiếc xuồng, mà ở trên đầu máy bay bay vù vù, trời thì mưa to gió lớn. Tôi đã viết rất nhanh. Hồi ấy đàn ông thì cầm súng, nữ thì đi giao liên, những người phụ nữ gan dạ và khéo léo ấy đều xuất hiện trong truyện ngắn này của tôi.
Tuổi trẻ của ông, đi qua chiến tranh với khói bom và kiêu hùng, hồi đó, có thể hình dung như thế nào về chàng trai trẻ Nguyễn Quang Sáng?
Khi ra trận, bom đạn đâu phân biệt nhà văn với người lính đâu. Làm gì có ai bảo: nhà văn đó, đừng bắn, đâu (cười). Cũng cầm súng, đào hầm chứ. Như rất nhiều người hồi ấy, tôi cũng không biết sợ, sẵn sàng hy sinh và quyết tâm chiến đấu để giải phóng dân tộc.
Gần đây ông có hay xem phim Việt Nam không?
Có, vì tôi là người Việt mà, lại là người từng tham gia làm phim, nhưng tôi xem rất chọn lọc. Tôi làm gì cũng chọn lọc, kể cả đọc sách, đọc thơ, nghe nhạc.
Ông thấy phim nào hay?
Gần đây chưa có phim nào đáng khen hết. Có thể gần đây các phim chiếu rạp được nhiều người thích, chắc do mỗi thời đại có nhu cầu khác nhau, thẩm mỹ khác nhau. Nên tôi không thực sự ấn tượng với phim nào.
Đạo diễn điện ảnh nào của Việt Nam cùng thời để lại nhiều ấn tượng với nhà văn?
Cùng thời với tôi, tôi ấn tượng rất tốt với anh Hồng Sến. Tôi có ba kịch bản phim cộng tác với đạo diễn Hồng Sến là Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang và Mùa nước nổi. Tôi đã đi theo đoàn phim và nhờ đó mới biết thế nào là điện ảnh. Tôi thấy Hồng Sến có năng khiếu xuất sắc với điện ảnh, rất đam mê và luôn quyết tâm đi tới tận cùng vẻ đẹp của bộ phim.
Bộ phim đầu tiên chúng tôi làm với nhau là Mùa gió chướng. Hồi đó, nội bộ đoàn phim mất đoàn kết, tưởng là phải giải tán rồi. Hồng Sến mới nói với tôi như kiểu là Chính ủy của đoàn phim, nếu ai bất đồng ý kiến thì tôi là người đứng ra giải quyết. Sau đó thì chúng tôi làm việc với nhau rất ăn ý.
Đạo diễn Quang Dũng, con trai ông, rất hãnh diện khi nói về cha. Ông có tự hào về anh ấy? Ông đã dạy con mình điều gì khi anh ấy quyết định trở thành đạo diễn?
Nói chung là thế này, mình đi khoe con thì không nên, nhưng thấy con làm được việc tốt thì cũng mừng và tự hào chứ. Chỉ mong Dũng làm sao để càng ngày càng làm được nhiều điều có ý nghĩa hơn. Còn việc giáo dục con cái thì tôi khác mọi người. Tôi rất thoải mái với con, hồi bé thì học chỉ cần lên lớp là được. Không bao giờ ép con phải học sinh giỏi hay này khác, rồi sau này phát triển được cái gì thì phát triển. Tôi chỉ dạy con làm gì cũng phải đam mê. Như tôi, chỉ nuôi con bằng văn chương mà thôi.
Khi thấy Dũng có năng khiếu về âm nhạc thì tôi mời thầy về nhà dạy cho con, 16 tuổi đã có album nhạc đầu tiên rồi. Hồi đó cố viết một năm mấy kịch bản phim chỉ để kiếm tiền mua đàn piano cho con. Học xong phổ thông, Dũng thi đỗ cả trường nhạc và điện ảnh. Nhưng Dũng nói với tôi là muốn học điện ảnh, vì nếu học nhạc thì không học được điện ảnh, nhưng nếu học điện ảnh thì về nhà vẫn học được nhạc. Và tôi thấy con mình đúng nên ủng hộ thôi.
Ông có xem phim đạo diễn Nguyễn Quang Dũng làm không?
Phim nào tôi cũng xem hết, từ Giải cứu thần chết, Nụ hôn thần chết hay gần đây nhất là Những nụ hôn rực rỡ đó. Tôi ra rạp xem như một khán giả bình thường và hạnh phúc khi kết thúc phim, thấy khán giả đứng lên vỗ tay. Tôi cũng như tất cả những người cha người mẹ khác, tài sản lớn nhất chính là sự khôn lớn và trưởng thành của các con.
80 năm cuộc đời, 60 năm cầm bút và sáng tác, văn chương đã cho ông những gì và lấy đi của ông những gì?
Văn chương đã nuôi tôi sống, nuôi con tôi, cho tôi có cơ hội được chia sẻ cảm xúc và những điều nhìn thấy với mọi người. Còn lấy đi những gì thì tôi không bao giờ để ý nên cũng không biết. Mà làm nghề gì chẳng phải bị mất đi thứ gì đó. Kể cả nghề báo, nhỉ! (cười)
Cảm ơn nhà văn và kính chúc ông luôn mạnh khoẻ, vẫn cường tráng và sung sức như chàng trai Nguyễn Quang Sáng khi viết Đất lửa!
Ngọc Đinh thực hiện