Kỷ luật 62 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

TPO - Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều vụ việc sai phạm rất nghiêm trọng liên quan đến tham nhũng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp…
Nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, khởi tố, điều tra trong thời gian qua

Còn nhầm lẫn

Thanh tra Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2019, có 62 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và 3 người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong 62 trường hợp này, Vĩnh Phúc có 2 người; Vĩnh Long 1 người; Thừa Thiên Huế: 2 người; Tây Ninh 7 người…và nhiều nhất là tỉnh Bình Định với 32 người.

“Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu và còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng”, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Về phát hiện và xử lý tham nhũng, theo Thanh tra Chính phủ, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã tích cực, chủ động, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trong kiểm tra, giám sát; lựa chọn đối tượng, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh vi phạm. Nhiều cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, két luận, làm rõ nhiều vi phạm, trên cơ sở đó quyết định hoặc đề nghị thi hành kỷ luật nghiêm minh, chính xác, kịp thời nhiều tổ chức đảng, đảng viên sai phạm.

Đáng lưu ý, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều vụ việc sai phạm rất nghiêm trọng liên quan đến tham nhũng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước đã kỷ luật tương xứng với kỷ luật của Đảng đối với cán bộ, công chức sai phạm, đảm bảo kịp thời, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng và kỷ luật theo pháp luật của Nhà nước.

Cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đổi tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho Nhà nước.

Thanh tra các dự án lớn tại các tập đoàn, tổng công ty

Qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 22 đối tượng; qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 48 vụ, 37 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng… Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 420 vụ án, 876 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 214 vụ, 487 bị can. Viện kiểm sát các cấp thụ lý 273 vụ/610 bị can về tội tham nhũng. Cơ quan điều tra VKSND tối cao khởi tố mới 12 vụ/16 bị can về tội danh tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, khởi tố, điều tra, điển hình như: Vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) cùng đồng phạm về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ...; Vụ án Lê Nam Trà cùng đồng phạm về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; đưa, nhận hối lộ, xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG); vụ án Đinh Ngọc Hệ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc Phòng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hường đổi với người khác để trục lợi”...

Phương hướng, nhiệm vụ 2020 được Chính phủ đề ra là tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; quản lý sử dụng đất đai; đầu tư theo hình thức BT, BOT; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; các dự án mua sắm lớn từ ngân sách nhà nước,...Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện. Tăng cường phối họp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.