Bán “lúa non”
Nhiều tháng trước, không ít người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thảng thốt trước một khu nghĩa trang được quảng bá quy mô, hiện đại và chỉ được bán giới hạn trong tỉnh. Đó là khu nghĩa trang cát táng có tên Bảo Lạc Viên (tại xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) do Cty CP Công viên Tâm linh Bảo Lạc làm chủ đầu tư.
Tin lời quảng cáo, có người dân đã vội tìm mua mộ phần. Tuy nhiên, mọi việc vỡ lở khi thực tế, dự án này chưa được giao đất, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng thì lấy đâu ra triển khai xây dựng.
Làm việc với một số cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh, sự việc mới dần sáng tỏ. Theo đó, cách đây hơn 3 năm (ngày 14/5/2021), UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư (lần đầu) cho Cty CP Công viên Tâm linh Bảo Lạc (viết tắt là Tâm linh Bảo Lạc Viên) xây dựng dự án khu nghĩa trang cát táng.
Mục tiêu của dự án là xây dựng khu nghĩa trang theo hình thức cát táng kết hợp vườn hoa cây xanh, được quy hoạch hiện đại, có đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ đồng bộ. Khu nghĩa trang này chỉ được phép phục vụ người dân huyện Yên Phong nói riêng và tỉnh Bắc Ninh (không phục vụ ngoại tỉnh).
Luật sư Đặng Cường - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, đất nghĩa trang công viên được quy định cụ thể trong Luật Kinh doanh Bất động sản về giao dịch. Theo đó, dự án chỉ được phép huy động vốn khi phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Luật cũng cấm các hành vi trong giao dịch bất động sản, như: Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin; gian lận, lừa dối...
Về mặt tiến độ, đáng lẽ dự án này phải đưa vào hoạt động từ năm quý II năm 2024, nhưng trên thực tế khi có mặt tại hiện trường những ngày đầu tháng 9, PV Tiền Phong chỉ thấy đất ruộng của người dân.
Đáng nói, tin vào lời quảng cáo của chủ đầu tư trên một số nền tảng (nay đã xóa), có người dân ngoại tỉnh đã xuống tiền mua mộ phần.
Bà P.A (xin giấu tên) trú tại huyện Yên Thế (Bắc Giang), ngày 16/7 vừa qua, đã ký kết hợp đồng trị giá 142 triệu đồng với Cty CP Công viên Tâm linh Bảo Lạc mua đất mộ phần rộng 4,26m2.
Trước khi ký hợp đồng, phía Bảo Lạc cam kết về tính pháp lý của dự án và tiến độ bàn giao đất. Bà P.A. cho biết, việc mua bán đất này được bên Bảo Lạc cụ thể bằng 2 hợp đồng: Hợp đồng tư vấn dịch vụ và hợp đồng đặt cọc.
“Cty yêu cầu gia đình tôi thanh toán trước 60% giá trị hợp đồng (hơn 85 triệu đồng). Số tiền còn lại sẽ thanh toán theo tiến độ.
Theo đó, số tiền đặt cọc, tôi phải thanh toán gần 22 triệu đồng vào tài khoản Cty CP Công viên Tâm linh Bảo Lạc (tại số tài khoản 1168609999..., ngân hàng MB). Với Hợp đồng tư vấn, tôi phải chuyển khoản gần 64 triệu đồng cho số tài khoản 88809042… của cá nhân có tên VU THI HUE”, bà P.A. nói.
Sau khi ký hợp đồng trên, người mua tìm hiểu thêm đất cho phần mộ gia tộc. Lúc này, bà được tư vấn 1 lô mộ phần rộng 210m2 tại dự án với giá trị hơn 5 tỷ đồng. “Ngày 20/7 vừa qua, gia đình tôi được chuyển 2 hợp đồng (tư vấn dịch vụ và thỏa thuận đặt cọc) đã có chữ ký của Tổng GĐ Cty CP Công viên Tâm linh Bảo Lạc, đóng dấu đỏ.
Khi thắc mắc sao không chuyển khoản vào tài khoản Cty và tính pháp lý của dự án thế nào, một người tự nhận giám đốc kinh doanh bỗng dưng xin rút lại hợp đồng và ký vào dịp khác. Được biết, hiện, người mua đã gửi đơn tố cáo sự việc tới Công an tỉnh Bắc Ninh.
Đổ lỗi nhân viên, trả tiền là xong?
Đầu tháng 9/2024, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở KH&ĐT Bắc Ninh cho biết, dự án nghĩa trang trên chậm tiến độ và đang trong quá trình xin gia hạn chủ trương đầu tư.
Còn ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó GĐ Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết, dự án nghĩa trang Bảo Lạc Viên chưa đủ điều kiện giao dịch mua bán do chưa hoàn thiện các thủ tục cần thiết.
Tuy nhiên, ông Dũng lý giải rằng, báo cáo của chủ đầu tư dự án (liên quan việc mua bán mộ phần), doanh nghiệp chưa thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào.
Trong quá trình khảo sát thị trường, “một nhân sự thử việc đã cho khách hàng ký nguyện vọng đặt chỗ”. Thực tế, hợp đồng này được khách mua tin tưởng xuống tiền khi có chữ ký của tổng giám đốc và con dấu Cty, chứ đâu vì nhân viên? Được biết, doanh nghiệp trên đã hoàn trả cho khách hàng và sa thải nhân viên.
Về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, theo quy định, đất cho người chết (là công viên được sử dụng đất dài hạn và kinh doanh) như một loại hình bất động sản.
Theo đó, chủ đầu tư phải đáp ứng tất cả điều kiện pháp lý giống như dự án nhà ở thương mại mới được phép huy động vốn, bán hàng. Cụ thể, dự án phải được giao đất và trả tiền sử dụng đất, thậm chí xây dựng xong hạ tầng mới có thể ký hợp đồng ...
Ông Võ cho biết thêm, không phải hoàn tiền cọc thì hành động sai (ký hợp đồng đặt cọc-PV) được “xí xóa”. Theo đó, cơ quan chức năng phải vào cuộc xử phạt hành vi sai phạm này.