Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung quan trọng

TPO - Khai mạc vào ngày 21/10, dự kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 29 nội dung thuộc công tác lập pháp. 

Sáng 17/9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì Hội nghị giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ, nhằm trao đổi, thống nhất một số nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh QH

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp có nội dung nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay. Thời gian qua, công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với Quốc hội ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, thực chất, hiệu quả.

Các cơ quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị từ sớm, từ xa, làm việc ngày đêm để chuẩn bị cho các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội chậm nhất ngày 1/10 đối với các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua; không đề nghị bổ sung nội dung vào chương trình Kỳ họp thứ 8 sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát hành công văn triệu tập Kỳ họp.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 21/10, dự kiến làm việc 29 ngày và được tổ chức thành 2 đợt (đợt 1 từ ngày 21/10 - 13/11; đợt 2 từ ngày 20 - 30/11).

Dự kiến tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 29 nội dung thuộc công tác lập pháp; 10 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, công tác nhân sự và các vấn đề khác.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhằm thống nhất về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, nhất là những dự án luật, nghị quyết nào đã đủ điều kiện trình Quốc hội.

Để chuẩn bị tốt cho Kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai bên tăng cường phối hợp ngay từ khâu soạn thảo dự thảo văn bản với tinh thần "vướng ở đâu thì tháo gỡ ở đó".

Thủ tướng nhấn mạnh, công tác xây dựng pháp luật cần tiếp tục đổi mới tư duy, từ tập trung cho công tác quản lý sang vừa tập trung quản lý hiệu quả, vừa góp phần kiến tạo sự phát triển; đổi mới ngay trong cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, mở ra không gian kiến tạo cho sự phát triển, huy động mọi nguồn lực của xã hội, của nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, cái gì đã rõ, đã chín, thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì luật hóa. Cái gì chưa chín, chưa rõ, thực tiễn còn biến động, diễn biến phức tạp, khó lường thì thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, việc phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, kiểm tra cho tốt. Tinh thần là phân cấp triệt để, tăng cường chịu trách nhiệm, khuyến khích đổi mới, sáng tạo.

Bên cạnh đó, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp; xóa bỏ cơ chế xin - cho; không tạo môi trường dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.