Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!Sức ảnh hưởng của ngôn ngữ trong lịch sử nhân loại
Ngôn ngữ đã được nghiên cứu từ thời cổ đại, trên khắp các nền văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp, La Mã…. Tuy nhiên, ban đầu, ngôn ngữ là một phần của triết học. Triết học đã nghiên cứu bản chất ngôn ngữ và sự tác động của ngôn ngữ đến đời sống con người, hình thành nhiều quan điểm nền tảng, đóng vai trò then chốt cho sự ra đời của ngôn ngữ học, một môn khoa học độc lập vào thế kỷ 20.
Từ thời cổ đại, triết học nhìn nhận ngôn ngữ chiếm một vị trí quan trọng trong giao tiếp và tri nhận thế giới. Đặc biệt, trong xã hội sùng kính thần linh, ngôn ngữ còn đảm nhận vai trò truyền bá các giáo thuyết, tư tưởng, củng cố các chuẩn mực và làm sáng tỏ những điều cấm kỵ trong tôn giáo. Giai đoạn này, phạm vi nghiên cứu chủ yếu tập trung vào các vấn đề ngữ pháp của ngôn ngữ, như phân chia từ loại, các nguyên tắc cấu tạo từ, kết hợp từ… Công trình nghiên cứu ngữ pháp đầu tiên được công nhận là chuyên luận nghiên cứu ngữ pháp tiếng Phạn Aṣṭādhyāyī, của nhà ngữ pháp Ấn Độ cổ đại Pāṇini. Chuyên luận đã đưa ra lý thuyết xác định hình thái, cú pháp của tiếng Phạn, đồng thời phân biệt cách sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ trong các văn bản thiêng liêng. Cùng thời điểm đó, các triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates, Plato, Aristotle… đã bàn luận đến mối quan hệ giữa tên gọi và bản chất của các sự vật hay hiện tượng, và khả năng áp dụng các nguyên tắc logic để giải thích đặc điểm của ngữ pháp.
Từ thời trung cổ, các cuộc xung đột đế chế, tôn giáo, quá trình di cư, giao thoa văn hóa… kéo dài nhiều thế kỷ, đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của nhiều ngôn ngữ mới. Thời kỳ này, ngôn ngữ càng khẳng định vai trò trong việc giao tiếp; xây dựng đế chế, thiết chế xã hội; khẳng định địa vị xã hội. Bước sang thời kỳ Phục Hưng, sự nở rộ các nền văn học tiếng Latinh, cũng như các ngôn ngữ dân tộc Do Thái, Ả Rập, Ý và sự phục hồi nghiên cứu các tư liệu cổ điển, đã thúc đẩy việc nghiên cứu triết học ngôn ngữ mở rộng. Đáng chú ý là tác phẩm “Ngữ pháp tổng quát và duy lý” (Gramaire de Port-Royal), xuất bản năm 1660, của nhà ngữ pháp Claude Lancelot (1615 – 1695) và triết gia Antoine Arnauld (1612 – 1694). Tác phẩm so sánh các ngôn ngữ để tìm ra những mô hình ngữ pháp logic, nhằm xây dựng một lý thuyết ngữ pháp phổ quát cho mọi ngôn ngữ. Đây là phương hướng tiếp cận mới cho việc nghiên cứu ngôn ngữ. Tác phẩm này trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trong lịch sử ngôn ngữ học và là văn bản nền tảng của “ngữ pháp hiện đại”.
Ngôn ngữ không phải là một hệ thống cố định, mà chịu sự tác động của những biến đổi xã hội và các ngành khoa học khác. Thế kỷ 19 – 20, giai đoạn có nhiều sự biến chuyển về mọi mặt của xã hội, đồng thời đề cao tri thức, sự sáng tạo và vai trò của con người, ngôn ngữ trở thành trung tâm của các cuộc tranh luận triết học. Các nhà tư tưởng lớn tích cực tham gia nghiên cứu ngôn ngữ với nhiều chủ đề: bản chất của ngôn ngữ; mối quan hệ giữa ý tưởng tiến bộ và sự phát triển của ngôn ngữ và giao tiếp; vai trò chính xác của ngôn ngữ trong não bộ và trong nhận thức của con người;...
Sau hàng loạt công trình nghiên cứu, vào đầu thế kỷ 20, nhà ngôn ngữ học Ferdinand de Saussure (1857 – 1913), đã công bố Giáo trình Ngôn ngữ học Đại cương (Cours de linguistique génerale) tại trường Đại học Genève, gây ảnh hưởng lớn đến giới tri thức châu Âu và Bắc Mỹ. Từ đây, ngôn ngữ học chính thức được công nhận là một ngành khoa học độc lập về ngôn ngữ, nâng vị trí nghiên cứu ngôn ngữ ngang tầm với những lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn đương thời. Ngôn ngữ cũng được kết hợp với nhiều ngành khoa học khác tạo nên các lĩnh vực nghiên cứu mới như, ngôn ngữ tâm lý học, ngôn ngữ xã hội học, ngôn ngữ nhân chủng học, ngôn ngữ tính toán… mở ra thời kỳ phát triển sâu rộng về ngôn ngữ học.
Dấu ấn cà phê trong hành trình phát triển ngôn ngữ học
Cà phê du nhập vào châu Âu từ thế kỷ 17, được xem là thức uống thăng hoa trí tuệ và là năng lượng thúc đẩy các triết gia khao khát truy cầu chân lý, khám phá thế giới. Hàng quán cà phê cũng trở thành không gian kết nối những người có cùng chí hướng, đến và trao đổi, học thuật, biện chứng, để hình thành các hệ thống tri thức lý luận, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của triết học ngôn ngữ.
Thế kỷ 19, hàng quán cà phê Viên trở thành nơi đặc biệt quan trọng, đóng vai trò xúc tác cho những tư tưởng mới được thăng hoa, truyền bá, đáp ứng những chuyển biến thời đại. Nhà tâm lý học Sigmund Freud (1856 - 1939), đã phát triển thế giới quan của mình ngay tại quán cà phê Café Landtmann. Ông cũng thành lập Hội Phân Tâm Học Viên và tổ chức những buổi đàm thoại hằng tuần tại quán cà phê Café Korb. Qua các cuộc bàn luận, phân tích, Sigmund Freud nhìn nhận rõ mối liên hệ mật thiết giữa ngôn ngữ và tâm lý học. Từ đó, ông đã phát triển một mô hình khái niệm về ngôn ngữ, đề cập đến vai trò của ngôn ngữ trong ý thức, mối quan hệ của ngôn ngữ với tư duy và sự phát triển của ngôn ngữ ở trẻ em, chức năng của ngôn ngữ trong quá trình phục hồi của bệnh nhân…
Thế kỷ 20, nổi bật với sự xuất hiện của nhóm Vienna Circle, một nhóm các nhà triết học và khoa học tìm cách tái nhận thức triết học một cách khoa học với các phương tiện logic hiện đại. Nhóm thường xuyên tổ chức thảo luận tại các quán cà phê như Café Reichsrat, Café Central, Café Arkaden, Café Josephinum… Các vấn đề đưa ra tranh luận được đóng góp ý kiến và hoàn thiện thành các học thuyết triết học mới. Trong đó, triết gia Ludwig Wittgenstein (1889 – 1951) đã khám phá các khái niệm về bản chất ngôn ngữ và nhận thức luận, đặc biệt là vai trò của ngôn ngữ trong tư duy và cuộc sống của nhân loại. Ông đưa ra khái niệm trò chơi ngôn ngữ và xem đây là chìa khóa để hiểu cách con người truyền đạt ý tưởng, giữa các cá nhân và giữa các nền văn hóa. Nghiên cứu triết học của ông được đánh giá là một cuộc khám phá mang tính đột phá vào sự phức tạp của ngôn ngữ, thách thức những niềm tin thông thường về giao tiếp và ý nghĩa, đặt nền móng cho bước chuyển biến của triết học ngôn ngữ.
Những năm 1930, khi chủ nghĩa thực chứng logic phát triển mạnh mẽ, một trong những thành viên của nhóm Vienna Circle, triết gia, nhà toán học người Áo Kurt Gödel (1906 – 1978) đã thực hiện nghiên cứu logic về ngôn ngữ và đạt được thành công lớn. Định lý bất toàn của Kurt Gödel là một trong những thành tựu khoa học mang tính biểu tượng nhất của thế kỷ 20. Các kết quả nghiên cứu của ông đã dẫn đến sự phát triển của các ngôn ngữ hình thức, khả năng tính toán thuật toán. Đặc biệt, ông đã phát minh ngôn ngữ lập trình và cấu trúc dữ liệu, đặt nền móng cho khoa học máy tính và lý thuyết về trí tuệ nhân tạo. Định lý bất toàn của Kurt Gödel được chính ông trình bày với các thành viên Vienna Circle lần đầu tiên tại Café Reichsrat (Vienna), vào ngày 26 tháng 8 năm 1930.
Cũng trong thời kỳ này tại Praha, Nhóm Ngôn Ngữ Praha là một hội gồm các nhà ngôn ngữ học, nhà ngữ văn và nhà phê bình văn học tại Praha, thành lập tại Café Derby ở Praha. Nhóm đã phát triển các phương pháp phân tích văn học theo chủ nghĩa cấu trúc và dựa trên lịch sử phát triển của ngôn ngữ. Thành tựu nghiên cứu của nhóm ngôn ngữ Praha đã đóng góp rất lớn vào lĩnh vực ngôn ngữ học lẫn ký hiệu học.
Với công năng thức tỉnh và sáng tạo, cà phê luôn là thức uống gắn bó mật thiết với các nhà trí thức mọi lĩnh vực. Đặc biệt, cà phê là thức uống yêu thích của các triết gia như: Arthur Schopenhauer (1788 – 1860), Jacques Derrida (1930 – 2004)… Những người có sức sáng tạo vô hạn, tạo nên các nghiên cứu đóng góp đáng kể cho sự phát triển toàn diện của ngôn ngữ học. Triết gia Arthur Schopenhauer là nhà triết học đầu tiên sử dụng sơ đồ logic để phác họa ngữ nghĩa và bản thể học của các khái niệm. Ông đã sử dụng lý thuyết dịch thuật để làm rõ sự khác biệt giữa từ và khái niệm, tác động đến khía cạnh dịch thuật của ngôn ngữ học. Hay nhà triết học Jacques Derrida đã nghiên cứu ngôn ngữ theo chủ nghĩa cấu trúc và đưa ra một lý thuyết mới rằng ngôn ngữ là hỗn loạn, ý nghĩa là không ổn định và văn bản độc lập với tác giả. Công trình nghiên cứu của ông đã ảnh hưởng đáng kể đến các ngành văn học, luật, ngôn ngữ học ứng dụng, ngôn ngữ học xã hội học…
Cà phê và hàng quán cà phê là nguồn năng lượng và không gian xã hội lý tưởng, thúc đẩy các nhà tri thức tìm tòi, nghiên cứu lời giải đáp về mọi mặt của ngôn ngữ, từ hình thức, ngữ nghĩa, bản chất, đến mối liên hệ giữa ngôn ngữ và các ngành khoa học khác. Đến nay, cà phê và hàng quán cà phê vẫn tiếp tục đảm nhận vai trò quan trọng, là cầu nối cho sự phát triển trí tuệ, để những người có cùng đam mê, chí hướng, hội tụ, bàn luận và xây dựng nên những tác phẩm, quy tắc, lý thuyết đa dạng, đóng góp cho sự phát triển ngôn ngữ học ngày càng sâu rộng.
Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao
Đón đọc kỳ sau: Cà phê là ngôn ngữ của cuộc sống