Sau khi một phụ nữ xua đuổi một con chó ra xa con mình rồi bị chủ chó đánh, chính quyền thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang (miền đông Trung Quốc), ban hành một loạt quy định mới, có hiệu lực từ ngày 15/11. Theo đó, chủ chó sẽ bị phạt tới 5.000 nhân dân tệ (khoảng 17,5 triệu đồng) với mỗi con chó nuôi mà không có giấy phép. Họ cũng có thể bị phạt số tiền tương đương nếu để chó cắn bị thương người khác.
3,5 triệu đồng/giấy phép nuôi chó
Để có giấy phép nuôi chó, người nuôi phải cung cấp nhiều loại giấy tờ, thậm chí giấy tờ về bất động sản (ai sống trong căn hộ đi thuê, nhà trọ chật hẹp là không đủ điều kiện nuôi chó). Đủ điều kiện nuôi chó rồi thì phải nộp phí một lần 1.000 nhân dân tệ (3,5 triệu đồng) phí thường niên 500 nhân dân tệ (1,7 triệu đồng). Số tiền này không bao gồm chi phí cho bất kỳ dịch vụ liên quan nào, như gắn chip theo dõi, tiêm chủng…
Ai nuôi chó mà không có giấy phép thì vật nuôi sẽ bị tịch thu. Mà không phải giống chó nào cũng được phép nuôi. Từ 15/11, có tới 33 giống chó mà cư dân Hàng Châu không được phép nuôi, chủ yếu là các giống chó cỡ trung bình hoặc cỡ lớn, như chó ngao Tây Tạng, chó sục bò, chó golden retriever, chó bò Pháp…
Với những con chó được phép nuôi, chủ nhân không được để chúng xuất hiện ở nơi công cộng như công viên, trường học, chợ… Chủ chó cũng không được phép để thú cưng ra đường trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối. Những giờ khác trong ngày, người nuôi được phép dẫn chó ra đường nhưng phải có dây xích. Nếu chó không có dây xích, chủ nhân có thể bị phạt 1.000 nhân dân tệ (3,5 triệu đồng).
Với các giống chó được phép nuôi, người chủ phải tiêm phòng dại cho vật nuôi. Một quan chức thành phố nói rằng, trước ngày 15/11, mỗi ngày các trạm thú y ở Hàng Châu chỉ tiêm phòng cho khoảng 40 con chó, nhưng từ khi có quy định mới, số chó được đưa đến tiêm vắc-xin tăng gấp hơn 20 lần.
Tịch thu, đánh chết chó thả rông?
Sau khi các quy định siết nuôi chó có hiệu lực, trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện một số đoạn video có nội dung một số người được cho là “thành quản” (nhân viên quản lý đô thị) bắt chó thả rông rồi đập chết, máu me đầy đường. Lập tức, Sở Quản lý đô thị Hàng Châu bố cáo: “Sở Quản lý đô thị Hàng Châu không đánh đập hoặc tra tấn chó trong chiến dịch (cấm chó thả rông ban ngày) như cáo buộc trên mạng. Các đoạn video và thông điệp lan truyền online không liên quan sở chúng tôi”.
Trong một tuần ở Hàng Châu sau khi lệnh cấm chó thả rông ban ngày có hiệu lực, phóng viên không gặp con chó nào ngoài đường, trừ một lần. Sáng hôm đó, phóng viên đi bộ, rồi chạy bộ trên vỉa hè từ khách sạn ra Hồ Tây, một chú chó lông vàng không dây xích, không rọ mõm cứ lẽo đẽo đi theo, chạy theo cả cây số. Có lúc, nó sủa vài tiếng rồi đuổi theo người đạp xe (trên vỉa hè) hoặc lao ra giữa đường đứng trong khi ô tô con, xe máy đang lao tới. Đến gần chùa Lôi Phong, phóng viên trông thấy một anh cảnh sát liền tự hỏi “Không biết cảnh sát hoặc “thành quản” sẽ xử lý chú chó này thế nào?”. Nhưng khi ngoái lại thì không thấy nó đâu nữa. Hỏi anh cảnh sát họ Chen, anh nói rằng, đúng là có thấy cảnh “thành quản” bắt chó chạy rông nhưng không nhiều vì người dân ý thức Hàng Châu là thành phố du lịch và cũng sợ bị phạt nặng, bị tịch thu thú cưng.
Cũng trong tháng 11, thành phố Văn Sơn thuộc tỉnh Vân Nam (tây nam Trung Quốc) cấm cư dân đưa cho ra đường từ 7 giờ sáng tới 10 giờ tối. Tương tự Hàng Châu, kể từ ngày 16/11, thành phố Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (tây nam Trung Quốc), cũng cấm nuôi 22 giống chó, trong đó có chó béc-giê, chó Akita và một số loại chó Trung Quốc, ở 5 quận nội thành. Người dắt chó đi dạo ngoài đường phải mang theo túi để đựng phân chó.