Nhằm ghi nhận sự đa dạng của hệ côn trùng tại Quần thể danh thắng Tràng An, từ tháng 1/2018, các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh Vật (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) bắt tay vào nghiên cứu hệ côn trùng tại khu vực này.
Quần thể danh thắng Tràng An được biết đến với địa hình đặc trưng là núi đá vôi được hình thành trong các giai đoạn địa chất cuối cùng. Quá trình kiến tạo địa chất thời gian dài đã tạo ra những cảnh quan ngoạn mục với những vách núi dựng đứng, che phủ bởi rừng thường xanh nhiệt đới, bao quanh các thung lũng ngập nước liên thông với vô số hang động và sông suối ngầm, tạo ra một hệ động thực vật phong phú.
Sau 2 năm nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện được 604 loài côn trùng thuộc 431 giống, 91 họ, 10 bộ tại khu Di sản thế giới Tràng An. Trong đó, một loài mới thuộc họ ong Kén nhỏ lần đầu tiên được ghi nhận trên thế giới.
Bên cạnh đó, 16 loài côn trùng gồm hai loài thuộc bộ Cánh cứng (Coleoptera), hai loài thuộc bộ Cánh vảy (Lepidoptera) và 12 loài thuộc bộ Cánh màng (Hymenoptera) lần đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam.
Đặc biệt, loài Bướm phượng cánh chim chấm rời có tên trong Sách Đỏ Việt Nam cũng được ghi nhận tại đây. Loài bọ hung là loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam, được ghi nhận lần đầu tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, cũng có mặt ở Khu Di sản thế giới Tràng An.
Dựa theo 3 tiêu chí bao gồm tổng số loài ghi nhận, tổng số loài có giá trị bảo tồn và chất lượng sinh cảnh, các nhà khoa học xác định cần bảo tồn các loài côn trùng tại Tràng An ở mức ưu tiên cao nhất. Nhiều kiến nghị bảo tồn cũng được đề xuất. Hơn 200 mẫu vật côn trùng tại Tràng An cũng được các nhà khoa học bàn giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để bảo quản và trưng bày.