“Kinh hoàng” nhạc chế

Kiểu gì cũng có, nào là sex, cướp nhà băng, bán lông gà, lông vịt, chơi lô đề, trai tỉnh nọ chửi gái tỉnh kia… và cả dịch cúm gia cầm cũng được người ta chế thành bài hát.
Đĩa nhạc chế được giao bán trên mạng

Để dỗ cậu con trai, tôi "mò mẫm" bật máy tính của thằng cháu, đang học tại một trường PTTH danh tiếng ở Hà Nội tìm nhạc. Sau khi “dạo” qua ổ E, ổ C, cuối cùng tôi vào ổ D và gặp ngay thư mục "nhạc Trung hay tuyệt".

Nhớ đến những bài hát dựa theo giai điệu nhạc Trung rất vui nhộn, tôi liền kích chuột. Một bản danh sách dài các bài hát hiện lên. Lướt qua, tôi đọc thấy toàn tên lạ hoắc, cách trình bày cũng lạ.

Tên bài hát không có dấu, lại viết liền nhau như người ta viết địa chỉ email. Tôi nghĩ có thể đây là những bài hát mới, mình lạc hậu nên không biết.

Đành nghe thử vậy, biết đâu loại nhạc này hợp gu, con trai tôi thích mà ăn hết veo bát cháo thì tốt quá. Thế là tôi kích đúp vào bài hát có tên "haiphongyeu".

Nhạc "bốc" ngay từ khúc dạo đầu. Tiếp theo là tiếng nheo nhéo như thể giới thiệu bài hát. Tôi tự nhủ không hiểu tại sao nhà sản xuất lại chọn một người có giọng nói chẳng ra nam cũng không ra nữ để mở đầu.

Chưa kịp dứt khỏi dòng suy nghĩ, tôi giật mình khi nghe câu chửi rất tục. Tục đến mức những kẻ nay ở đầu đường nọ, mai góc phố kia nếu có nói cũng ngượng mồm.

Thế nên tôi nghĩ có thể mình nghe nhầm. Nhưng rồi vẫn cái giọng lưỡng tính ấy chửi, vẫn là những từ tục tĩu. Trời ạ! Nhạc gì mà có kiểu mào đầu lạ đến vậy?

Rồi là một tràng những câu hát với những lời hát bẩn thỉu, thô lậu vang lên. Tôi xin lỗi bạn đọc là không thể trích ra đây những lời ấy được. Vậy mà "ca sỹ" vẫn hát trơn tru những lời bẩn thỉu trong sự hào hứng. Xen vào bài hát là những câu chửi thề của người dẫn.

Tới đây, tôi lại nhớ đến cách chơi nhạc tại  một số tụ điểm ăn chơi về khuya ở Hà Nội. Sau 23h, khách hàng sẽ được thưởng thức thứ nhạc kích động.

Lời lẽ phản cảm, cả bài hát gây tò mò bằng những lời thô thiển. Tôi chắc chắn những cậu bé đang tuổi mới lớn như cháu tôi sau khi nghe xong sẽ bị tác động.

Bằng giai điệu, bằng lời hát, "nhà sản xuất" này đã đạt được mục đích của mình khi biến âm nhạc thành công cụ cho mục đích chẳng mấy tốt đẹp.

Để biết xuất xứ của những bài hát này, tôi vào gọi cậu cháu đang say giấc nồng dậy. Nó bảo cháu không biết lấy ở đâu, chỉ biết anh gia sư đến cóp vào.

Cháu tôi không chỉ giữ thứ "đặc sản" này cho riêng mình mà còn gửi tặng mấy đứa bạn thân. Cả bọn mỗi khi gặp nhau lại nghe, lại bàn luận và cùng… cười.

Đến thế là cùng, anh gia sư mà nó nói đang là sinh viên đại học. Hôm sau, gặp anh chàng gia sư, tôi hỏi nguồn gốc thì cậu ta cho ngay mấy địa chỉ website và bảo chỉ lên đấy một lúc thì tải về cả đống. Tôi hỏi sao em lại tặng những bài hát "nhạy cảm" thế cho học trò của mình thì cậu này tỉnh queo "không em thì người khác, nếu nó thích thì kiểu gì chả có được".

Nghe cậu ta nói tôi cũng thấy đúng. Nếu cháu tôi không thích thì nó đâu có lưu trong máy và còn tặng bạn thân nữa.

Tôi vào mạng theo những địa chỉ được cho. Quả thật là vô thiên lủng. Kiểu gì cũng có, nào là sex, cướp nhà băng, bán lông gà, lông vịt, chơi lô đề… và cả dịch cúm gia cầm  cũng được người ta chế thành bài hát.

Phần lớn những bài hát bị chế thường có giai điệu dễ hát, dễ thuộc. Nếu tác giả của các bài hát gốc mà nghe khi nó đã bị chế chắc tức phát khóc. Những giai điệu mềm mại hoặc sôi động theo khuynh hướng tích cực bỗng làm nền cho những lời hát vô văn hóa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian gần đây, nhạc chế bỗng nhiên… phát triển. Nó được giới trẻ (lứa tuổi học sinh, sinh viên)… ưa chuộng. Không biết có phải là do sau một thời gian nhạc thị trường được đón nhận quá nhiệt thành nay đã bão hòa nên người ta quay sang thích nhạc chế.

Phần lớn, nhạc chế được chế biến từ những bài nhạc trẻ. Có những trường đoạn là những lời tục tĩu...

Không chỉ bằng tiếng Việt, nhạc chế còn chế cả những bài hát bằng tiếng Anh.

Thế mới biết, để đáp ứng thị hiếu, "nhà sản xuất" không chỉ chế tiếng mẹ đẻ. Đã đến lúc các cơ quan quản lý văn hóa nên vào cuộc. Nhạc chế không chỉ có trên mạng mà ở các cửa hàng băng đĩa nó cũng nghiễm nhiên “ngồi” trên kệ.

Nếu cứ để nhạc chế, chế theo kiểu vô văn hóa tồn tại, e rằng đến một lúc nào đó sẽ tác động xấu, rất xấu

Theo Như Thương
Công an Nhân dân