Bài báo đã điểm lại một số vụ việc điển hình nhất trong thời gian qua. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm: từ năm 1997 đến 2016, Lý Văn Khoa đã trực tiếp và thông qua vợ là Từ Huệ nhận hối lộ tổng cộng hơn 36,59 triệu tệ. Từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2011, trong thời gian tỉnh ủy Liêu Ninh tiến hành tiến cử các nhân sự ứng cử vào các chức vụ cấp phó tỉnh, để được giới thiệu ra ứng cử vào các chức Phó tỉnh trưởng và Phó Chủ tịch Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh (Hội đồng nhân dân), Khoa khi đó là Bí thư thị ủy Thiết Lĩnh đã biếu, tặng Nhân dân tệ (NDT), USD và phiếu mua hàng cho 55 cán bộ cấp Sở trở lên, tổng trị giá 1 triệu 860 ngàn tệ. Cũng bằng cách vung tiền chạy chức, Khoa đã trở thành đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ 17 và đại biểu Quốc hội khóa 10.
Ngày 28/2/2017, Khoa bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Ngày 10/5/2017 Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương thông báo Lý Văn Khoa, đảng ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Liêu Ninh bị trung ương quyết định khai trừ đảng tịch, khai trừ công chức, tịch thu mọi thu nhập trái phép và chuyển sang cơ quan tư pháp xử lý theo pháp luật. Tháng 2/2018, Viện Kiểm sát tỉnh Cát Lâm đã truy tố Khoa về các tội nhận và đưa hối lộ.
Tương tự, trong thời gian từ tháng 12/2012 đến tháng 1/2013, tại thành phố Hoành Dương tỉnh Hồ Nam diễn ra vụ án hối lộ bầu cử gây chấn động Trung Quốc: có tới 56 đại biểu HĐND tỉnh Hồ Nam đã biếu số tiền tổng cộng hơn 110 triệu tệ (385 tỷ VND) để được trúng cử; 518 đại biểu HĐND thành phố và 68 đại biểu dự Hội nghị cán bộ thành phố Hoành Dương đã nhận số tiền trên.
Các quan tham trong những vụ án trên đều mắc phải căn bệnh chung, đó là coi danh phận, địa vị, chức vụ đều có thể mua bán được. Họ biến quan trường thành chợ, lợi dụng nhân tình thế thái để kéo bè kết cánh, lập nhóm lợi ích. Những “cán bộ” này sau khi chui được vào quan trường, có chức vụ trong tay liền dùng đủ mọi thủ đoạn tham nhũng để lấy lại vốn đã bỏ ra mua chức, chạy chức và tiếp tục sử dụng số tiền đó để “vung cước dài câu cá lớn”; cứ thế, môi trường chính trị địa phương bị phá hoại nghiêm trọng, hình ảnh người cán bộ trở nên vô cùng xấu xa trong mắt người dân. Thế nhưng bước sang thời kỳ mới, với việc xây dựng một nhà nước pháp trị, hiện tượng mua quan bán chức không được phép tồn tại.
Từ sau Đại hội 18, vấn đề giữ nghiêm kỷ luật chính trị và kỷ luật tổ chức được nhấn mạnh, kỷ luật nhân sự được nghiêm minh, các hiện tượng vi phạm kỷ luật tổ chức, nhân sự không được bỏ qua, hiện tượng chạy chức, mua chức bị dẹp bỏ, phát hiện vụ nào xử nghiêm vụ đó.
Tuy nhiên, vẫn có một số quan chức không chịu dừng lại, tiếp tục mưu đồ thông qua đi cửa sau, kéo quan hệ để thỏa mãn tham vọng riêng. Trường hợp điển hình là Vương Đăng Ký, Giám đốc Sở Tài nguyên đất đai tỉnh Thiểm Tây. Ông ta nghĩ: “Làm quan phải làm quan cấp tỉnh, bộ. Tiền sẽ kiếm được cả tỷ, mình chỉ còn cách cấp này 1 bước nữa thôi”. Thế là, Ký nghĩ cách “huy động” tiền của các ông chủ để chạy chức. Sau khi nhận 50 triệu tệ của thương gia Cao Trí Lâm, Ký tìm đến Vương Đăng Quảng - một người quen là cán bộ trung ương nghỉ hưu tự xưng có họ hàng làm to để nhờ mua chức, hy vọng có được chức vụ cấp phó bộ. Vương Đăng Ký cam kết nếu được làm Phó chủ tịch Chính Hiệp tỉnh sẽ chi 100 triệu tệ (350 tỷ VND). Nếu được làm Phó tỉnh trưởng sẽ chi 200 triệu tệ (700 tỷ VND). Thế nhưng âm mưu bất thành, Ký đã bị bắt điều tra rồi chuyển sang cơ quan pháp luật xử lý về các tội nhận và đưa hối lộ. Ngày 17/10/2016, Vương Đăng Ký đã bị tòa kết án chung thân, tịch thu toàn bộ tài sản về tội nhận hối lộ 66,24 triệu NDT, trong đó 50 triệu dùng vào việc chạy chức.
Một số quan chức quá mê chạy chức đến mức bị lừa, sa bẫy, mua chức to không thành mà mất luôn ghế hiện tại. La Âu, Phó Tổng thư ký chính quyền tỉnh Quảng Đông là người như thế. La Âu suốt ngày toan tính để làm sao leo được cao hơn. Thương gia Lưu X. nắm được thóp nên khi đưa hối lộ cho Âu 500 ngàn tệ đã đánh tiếng quen biết một vị lãnh đạo cơ quan trung ương quan trọng, có thể giúp Âu lên được cấp phó tỉnh. Âu bập vào ngay, lần lượt đưa cho Lưu X. 40 triệu 80 ngàn tệ (140,2 tỷ VND). Ngày 4/9/2014, La Âu bị cách chức, khai trừ đảng vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, khi đó giấc mộng thăng quan của ông ta vẫn chưa thành. Ngày 30/6/2016, Lưu X. nhận mức án 13 năm tù vì tội đưa hối lộ và lừa đảo.
Lại có trường hợp “thua keo này bày keo khác”, quyết không từ bỏ việc dùng tiền để chạy chức. Đó là trường hợp Tô Hồng Chương, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Liêu Ninh chạy lên cấp phó bộ. Lần thứ nhất, vào tháng 12/2010, Chương đã dùng 96 miếng vàng và 298 phiếu mua hàng tổng trị giá 4 triệu 461 ngàn tệ để mua phiếu hòng được ngồi lên ghế Phó tỉnh trưởng nhưng không thành. Không cam chịu thất bại, tháng 11/2011, trước khi diễn ra kỳ họp bầu Ban thường vụ tỉnh ủy, Chương tiếp tục huy động của các ông chủ tư nhân 40 thoi vàng (mỗi thoi 200gr, tổng trị giá hơn 3 triệu tệ) để hối lộ, kết quả đã từ Phó bí thư Thẩm Dương nhảy lên ghế Ủy viên thường vụ tỉnh ủy khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, ghế Phó tỉnh trưởng vẫn bị rơi vào tay đối thủ là Lưu Cường - Bí thư thành phố Phủ Thuận, nhưng chỉ hơn 1 năm sau Lưu Cường bị ngã ngựa vì “lợi dụng chức quyền để tổ chức hoạt động mua phiếu bầu”, thì ra số tiền Cường bỏ ra để chạy chức còn nhiều hơn nên Chương thất bại.