Chiều 16/12, tại một trung tâm mua sắm thời trang ở quận 1 gần như vắng hẳn khách mua sắm. Nhiều quầy hàng vẫn còn "trùm mền ngủ đông".
Dù đã mở cửa hoạt động trở lại được hơn một tháng, nhưng trung tâm mua sắm này hầu như chỉ thưa thớt một vài người bán buôn. Lý do được các doanh nghiệp đưa ra là kinh doanh ế ẩm, đang tìm người sang lại hoặc cho thuê vì không thể cầm cự nổi.
Khu vực ẩm thực đìu hiu, chị Bình kinh doanh tại đây cho biết, do trung tâm có ý định sửa chữa, cải tạo mặt bằng nên khu ẩm thực vẫn chưa hoạt động trở lại.
"Buôn bán trở lại nhưng ế ẩm lắm, nhiều người trụ không nổi nên tìm địa điểm khác kinh doanh hoặc chuyển nghề. Tại đây, chúng tôi vẫn được giảm giá 50% dù mở hàng bán, mỗi tháng tiền thuê còn tầm 7 triệu đồng nhưng tháng nào cũng bù lỗ, vì có ai vào mua sắm gì đâu mà có doanh thu" - bà Lâm, kinh doanh trang sức thời trang buồn hiu nói.
Doanh nghiệp bày biện thời trang đẹp mắt, giảm giá tới 50% nhưng hầu như vắng khách mua.
"Như mọi năm vào thời điểm này, khu mua sắm rất sầm uất vì nằm ở khu vực trung tâm, khách nội ngoại tấp nập. Thế nhưng 2 năm qua, dịch bệnh đã quét bay mọi thứ. Chúng tôi không biết sẽ cầm cự được tới lúc nào" - anh Bình, kinh doanh quần áo thở dài.
Chủ quầy hàng treo biển sang quầy, cho thuê cả tháng nay nhưng gần như không có người hỏi
Khung cảnh đìu hiu dù đang trong thời điểm Tết cận kề.
Những vị khách nước ngoài hiếm hoi tại trung tâm mua sắm.
Tiểu thương vừa ngồi buôn chuyện hoặc lướt điện thoại vừa ngóng khách.
Trong khi đó, một trung tâm thương mại trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) cũng đìu hiu, khu vực ẩm thực nơi đây vẫn chưa có doanh nghiệp hoạt động trở lại.
"Kinh doanh khó khăn, giá thuê mặt bằng trong các trung tâm thương mại cao, thiếu lao động... nên chúng tôi phải tính toán lại" - một đại diện doanh nghiệp nêu lý do chưa tái hoạt động.
Một quầy thức ăn tạm đóng cửa sau dịch.
Uyên Phương