Kinh doanh của cty chứng khoán: Không lãi khủng, lỗ khủng

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2013 của các công ty chứng khoán cho thấy sự thận trọng hơn trong chiến lược kinh doanh của các công ty. Không còn có những trường hợp “lãi khủng” hay “lỗ khủng” trong kỳ như các năm trước.

> Cả tin, đại gia chứng khoán suýt trắng tay
> Khối ngoại đổ tiền mạnh vào chứng khoán Việt Nam

Trong số 81 công ty chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh quý 2, phần nhiều trong nhóm này hoạt động cầm chừng, thiếu hiệu quả .

Còn nhớ năm 2012, Công ty Chứng khoán Sacombank quý 1 lỗ tới 660 tỉ đồng, quý 2 lại lãi trên 520 tỉ đồng khiến cán cân lỗ lãi ở các công ty chứng khoán biến động bất thường (tổng lợi nhuận sau thuế quý 1/2012: 23 tỉ đồng; quý 2/2012: 1.245 tỉ đồng).

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2013 tại các công ty chứng khoán tuy không bằng cùng kỳ, nhưng thể hiện sự ổn định. Hết quý 1, tổng lợi nhuận của các công ty chứng khoán là gần 520 tỉ đồng. Sang quý 2, con số này là 452 tỉ đồng.

Mặt bằng lợi nhuận giữa các công ty đồng đều

Trong quý 2, không có công ty nào lãi vượt trội, lợi nhuận của tốp 10 các công ty đạt kết quả kinh doanh tốt nhất không chênh lệch đáng kể. Nhờ hoàn nhập các khoản dự phòng như phải thu khó đòi và giảm giá chứng khoán, Công ty Chứng khoán VNDirect (mã VND-HNX) lãi gần 70 tỉ đồng quý 2, đứng đầu trong các công ty chứng khoán về lợi nhuận sau thuế quý 2/2013.

Công ty Chứng khoán Tp.HCM (mã HCM-HOSE) lãi 60,9 tỉ đồng quý 2, nâng lãi lũy kế sáu tháng đầu năm lên 123,8 tỉ đồng. Doanh thu của công ty này từ đầu năm đến nay chủ yếu từ môi giới (91 tỉ đồng), tự doanh (58 tỉ đồng) và ký quỹ (75 tỉ đồng). Cùng với Công ty Chứng khoán Sài Gòn (mã SSI-HOSE) có doanh thu môi giới sáu tháng 69,6 tỉ đồng, đây là 2 công ty chứng khoán có doanh thu môi giới cao nhất.

Thị phần môi giới của cả HCM và SSI chiếm gần ¼ tại HOSE. Báo cáo riêng của SSI cho thấy, lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt 51 tỉ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ (ước lãi hợp nhất 6 tháng hơn 300 tỷ đồng). Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do kỳ này công ty phải trích dự phòng chứng khoán 18 tỉ đồng, trong khi đó, cùng kỳ 2012, công ty hoàn nhập tới 90 tỉ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán.

Nhờ tư vấn phát hành thành công hơn 77 tỉ đồng trái phiếu, Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) thu về 60,5 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 2. Cùng với Công ty Chứng khoán Đại Dương (OCS), đây là hai công ty chứng khoán có doanh thu tư vấn cao nhất nửa đầu 2013 (TCBS: 77,3 tỉ đồng; OCS: 40,8 tỉ đồng).

Sau hai năm 2010 và 2011 kinh doanh thua lỗ, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (mã BVS-HNX) đã tìm lại đà tăng trưởng khi liên tục nằm trong tốp 10 công ty chứng khoán có lãi cao nhất năm 2012 và cả quý 1, quý 2/2013. Kết thúc quý 2/2013, BVS lãi ròng 21,7 tỉ đồng. Tuy nhiên khoản lãi này chỉ bằng 40% so với cùng kỳ, chủ yếu do kỳ này hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán giảm 18,8 tỉ đồng so với quý 2/2012.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất giảm ảnh hưởng tới doanh thu (giảm 25%) khiến cho lãi ròng của công ty giảm mạnh.

Như mọi khi, Công ty Chứng khoán Kim Long (mã KLS-HNX) vẫn hạn chế phạm vi hoạt động của mình trong lĩnh vực chứng khoán và đầu tư một cách thận trọng. Doanh thu môi giới và tư vấn hầu như không đáng kể. Nguồn thu chính của KLS vẫn là từ lãi tiền gửi ngân hàng và hoàn nhập dự phòng chứng khoán.

Tính từ đầu năm, KLS đã hoàn nhập 126,8 tỷ đồng và thu về 70,9 tỉ đồng lãi tiền gửi. Đây là hai nguyên nhân chính giúp lợi nhuận sau thuế quý 2 của KLS đạt 26,5 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm đạt 77,5 tỉ đồng, tăng 54,9% so với nửa đầu 2012.

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) và Công ty Chứng khoán VCB (VCBS) kỳ này đạt lợi nhuận khá khiêm tốn, lần lượt là 8,8 tỉ đồng và 11,1 tỉ đồng, giảm 89% và 37% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm này bắt nguồn từ nguyên nhân doanh thu đầu tư chứng khoán kỳ này của ACBS giảm mạnh 65% so với cùng kỳ. Trong khi đó VCBS phải trích dự phòng 15 tỉ đồng cho cổ phiếu đầu tư dài hạn khiến chi phí hoạt động trong kỳ tăng vọt.

Lỗ mang tính tập trung

Trong 81 công ty chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh quý 2 vừa rồi, 31 công ty báo lỗ với tổng giá trị lỗ là 107 tỉ đồng. Với khoản lỗ 26 tỉ đồng, Công ty Chứng khoán MHB là công ty lỗ nặng nhất quý vừa rồi sau khi bán khoản tự doanh OTC khiến chi phí đầu tư chứng khoán bị đẩy lên 43,8 tỉ đồng.

Sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc, Công ty Chứng khoán Sacombank tiếp tục lỗ 18 tỉ đồng quý 2, đẩy giá trị lỗ 6 tháng đầu năm lên 33,6 tỉ đồng.

Trong số các công ty thua lỗ, đáng chú ý có Công ty Chứng khoán Phú Hưng (mã PHS-HNX). Khoản lỗ 3,7 tỉ đồng tuy không quá nghiêm trọng nhưng nó đánh dấu quý thứ 10 liên tiếp từ quý 1/2011 tới nay công ty thua lỗ. Tổng lỗ lũy kế của PHS hiện là 154 tỉ đồng, chiếm 44% tỷ lệ vốn điều lệ. Cổ phiếu PHS hiện đang bị kiểm soát do công ty đã thua lỗ hai năm liên tiếp.

Có 10 công ty chứng khoán đại chúng khác cũng thuộc diện thua lỗ dài hạn như PHS. Điều này cho thấy tình trạng kinh doanh yếu kém hiện đang tập trung chủ yếu ở những công ty có hoạt động kinh doanh không tốt trong thời gian dài.

Việc lợi nhuận được phân hóa một cách rõ rệt ở các công ty chứng khoán lớn và nhỏ như vậy là một lợi thế cho quá trình tái cấu trúc các công ty chứng khoán. Nhìn vào cơ cấu thị phần hàng quý thì có thể thấy các công ty nhỏ sẽ không còn chỗ đứng trong thời gian tới. Việc thua lỗ kéo dài của các công ty chứng khoán ảnh hưởng không nhỏ tới nhà đầu tư là khách hàng của những công ty này.

Kế hoạch tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khởi động từ hai năm nay nhưng vẫn tiến hành khá chậm chạp. Từ số lượng ban đầu là 105 công ty, cho đến nay số lượng công ty được giải thể, sáp nhập hay chấm dứt hoạt động kinh doanh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều công ty giờ chỉ còn hoạt động trên danh nghĩa.

Ngay cả trong số 81 công ty chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh quý 2, phần nhiều trong nhóm này hoạt động cầm chừng, thiếu hiệu quả. Vẫn biết việc rút giấy phép hoạt động của công ty chứng khoán sẽ đồng thời chấm dứt sự tồn tại pháp nhân của tổ chức và ảnh hưởng tới các nghĩa vụ phải trả với các bên liên quan, nhưng việc để các công ty này trong tình trạng “sống dở, chết dở” sẽ ảnh hưởng nhiều tới uy tín của thị trường.

Theo Nguyễn Huy Khải
VnEconomy, (Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)

Theo Đăng lại