38 tuổi, anh Hoàng Văn Anh (trú tại xóm Khoa Đà, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đang sở hữu 4 máy gom rơm, 2 ô tô tải, hệ thống sấy và kho bãi rộng gần 1.000m2, thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Cơ ngơi hiện tại của anh phần lớn đến từ những cọng rơm nhỏ bé.
Nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp, anh Anh kể, hồi ấy, người dân chủ yếu gặt tay, rồi sử dụng máy tuốt công nghiệp. Cơ giới hóa nhiều, trâu bò nuôi ít dần, người dân cũng ít có nhu cầu sử dụng rơm, rạ hơn trước. Những đống rơm được vứt đầy đồng. Chàng trai 8x nhìn thấy tiền trong những đống rơm vứt đi ấy.
Nghĩ là làm, năm 2011, vợ chồng anh Anh bắt đầu công việc gom rơm. Thời điểm đó, việc gom rơm hoàn toàn thủ công. Hai vợ chồng với chiếc cào sắt, cào rơm ra phơi, gom lại, chất lên xe tải nhỏ, bán cho người dân vùng Nghi Ân, Nghi Đức (TP Vinh) làm thức ăn cho gia súc hay dùng giữ ẩm cho gốc cây cảnh. Nhận thấy đây là nghề có thể gắn bó lâu dài, năm 2013, anh Anh khăn gói vào miền Nam tìm hiểu cách gom rơm, trữ rơm, bán rơm. Sau hơn nửa tháng học hỏi kinh nghiệm, anh dốc toàn bộ số tiền tích trữ được mua một máy cuộn rơm với giá hơn 100 triệu đồng và hành nghề gom rơm.
Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Rơm là nguồn phụ phẩm khá dồi dào sau mỗi mùa thu hoạch lúa tại Nghệ An. Rơm khô được sử dụng vào nhiều mục đích trong nông nghiệp như làm thức ăn cho trâu bò, sản xuất nấm, phân bón vi sinh, phục vụ trồng trọt... Việc một số nông dân thu gom rơm cần được khuyến khích. Bởi nếu không thu gom, bà con nông dân sẽ đốt trên đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn tài nguyên này”.
Quy mô sản xuất ngày càng lớn hơn, thị trường tiêu thụ mở rộng, anh Anh phải đầu tư thêm máy móc và thuê 22 lao động. Hết Nghệ An, Hà Tĩnh, nhóm lại “hành quân” ra các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình,...
Công việc gom rơm bắt đầu từ khoảng cuối tháng 4, kéo dài cho đến hết tháng 10 hàng năm. Mỗi vụ thu hoạch, đội thu gom rơm của anh Anh thu về hàng nghìn tấn rơm. Sau khi trừ chi phí nhân công, xăng xe, hao mòn máy móc, anh Anh thu về từ 400-500 triệu đồng/vụ. “Mỗi bó rơm nặng từ 18 - 20kg, giá bán ngay từ 20.000 - 25.000 đồng, sấy khô có giá từ 40.000 đồng/cuộn. Rơm sau khi phơi sấy, đóng thành từng khối sẽ xuất đi các trang trại chăn nuôi trong tỉnh Nghệ An hoặc vận chuyển ra một số tỉnh phía Bắc. Thị trường thức ăn chăn nuôi rộng, nhu cầu sử dụng rơm lớn nên gom được bao nhiêu thì xuất đi bấy nhiêu, không bao giờ ế hàng”, anh chia sẻ.
Từ phụ phẩm của cây lúa thường bỏ đi sau mỗi mùa thu hoạch, giờ đây rơm được các thương lái đổ xô tìm mua như một thứ hàng hóa. Cứ thế, rơm theo chân thương lái đi khắp nơi. Bên cạnh việc tăng thu nhập cho nông dân, nghề thu mua rơm còn góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động; đồng thời hạn chế được tình trạng ô nhiễm do đốt rơm rạ ngoài đồng.
Hiện, ông chủ 8x Hoàng Văn Anh đang đầu tư thêm máy ép để tiết kiệm diện tích lưu kho và nâng cao giá trị của rơm. Bình thường một cuộn rơm cung ứng tận nơi có giá 40.000 đồng nhưng vào vụ Tết hoặc thời tiết mưa gió, có thể lên tới 60.000-70.000 đồng/cuộn. Do đó, sấy khô, ép rơm thành khối dự trữ sẽ giúp nâng cao giá trị của rơm.