Kiểm soát thuốc lá mới bằng thuế: Giảm tiêu thụ, tăng nguồn thu

Để quản lý các sản phẩm thuốc lá mới phù hợp với định nghĩa của luật hiện hành, cụ thể là thuốc lá nung nóng (TLNN), có thể căn cứ vào Luật Đầu tư và sửa đổi Nghị định 67/2013/NĐ-CP.
Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phát hiện 120.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu, tổng trị giá trên 3,5 tỷ đồng vào tháng 07/2024. Nguồn: Tạp chí Tài chính

Nội dung này đã được ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp đề xuất tại tọa đàm “Đề xuất chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới” trên Truyền hình Quốc hội ngày 24/9 vừa qua .

Cần mạch lạc từ hành lang pháp lý

Theo các đại biểu trong tọa đàm, TLNN dễ dàng được nhận diện rõ là sản phẩm thuốc lá vì nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, TLNN được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá tự nhiên giống như thuốc lá truyền thống (còn thuốc lá điện tử (TLĐT) chứa dung dịch tinh dầu, hay loại lai giữa TLNN và TLĐT, nếu chưa phân định rõ thì thuộc nhóm đối tượng cần đánh giá thêm). Trước đó, trong nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường nhận định: “Tuy TLĐT chưa được đề cập trong Luật PCTHTL; nhưng TLNN lại rất sát với định nghĩa về thuốc lá của luật này” .

Thứ hai, xét trên định nghĩa và thông lệ quốc tế, từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO)… đều xác định TLNN là thuốc lá và khuyến nghị các quốc gia quản lý theo luật kiểm soát thuốc lá hiện hành.

Về mặt pháp lý, ông Hải cho rằng cần phải nhìn nhận hệ thống pháp luật một cách tổng thể để quản lý thuốc lá mới.

Trước hết, trong Luật Đầu tư, thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và giao cho Chính phủ quy định các điều kiện quản lý. Do vậy, ông Hải khẳng định: “Nếu như chúng ta xác định thuốc lá thế hệ mới, cụ thể là TLNN, là sản phẩm thuốc lá, thì đủ điều kiện để đưa vào quản lý. Bằng Luật Đầu tư, có thể sửa Nghị định 67/2013/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh thuốc lá.”

Đồng thời, hệ thống pháp luật hiện hành dùng để điều chỉnh mặt hàng thuốc lá có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) do Quốc hội ban hành năm 2012. Trên cơ sở này, Chính phủ ban hành Nghị định 77/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật PCTHTL, một số biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá; và Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về kinh doanh thuốc lá.

Trong quá trình thực thi, các Nghị định này cũng được sửa đổi bởi Nghị định 106, Nghị định 08 của Chính phủ.

Từ thực tiễn về hệ thống pháp lý hiện nay, luật và các văn bản dưới luật hiện đã đầy đủ và kiện toàn đối với cả hai vấn đề kinh doanh và phòng chống tác hại của mọi loại thuốc lá, bao gồm TLNN.

Ngoài ra, ông Lê Đại Hải cho biết Tổng cục Thuế đã có cơ chế phát hành tem nhãn cho các sản phẩm thuốc lá điếu sản xuất nội địa như từ Vinataba, hoặc cho sản phẩm nhập khẩu được lưu hành hợp pháp. Do đó, ông đề xuất thêm, có thể dùng biện pháp tem nhãn này để làm cơ sở phân biệt các loại thuốc lá mới được phép lưu thông, và xử lý, tiêu hủy những sản phẩm không qua kiểm định.

Song song đó, hiện Bộ Y tế đang đề xuất dùng thuế để kiểm soát hiệu quả việc tiêu dùng thuốc lá trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo sáng ngày 24/9: “Thuế là giải pháp hữu hiệu nhất để Việt Nam đạt mục tiêu kép về giảm tiêu dùng, giảm bệnh tật và tử vong, đồng thời giúp tăng ngân sách Nhà nước. Ước tính nếu thuế thuốc lá tăng 10%, tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ giảm từ 5-8%.”

Hệ thống kiểm soát thuốc lá được thực thi bởi bộ máy Nhà nước

Cũng tại tọa đàm 24/9, trả lời về năng lực quản lý đối với TLNN, thuốc lá mới, bà Nguyễn Quỳnh Liên - Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân tích: Thuốc lá truyền thống hiện nay được kiểm soát bởi một bộ máy bao gồm các cơ quan Nhà nước, trong đó bao gồm cơ quan quản lý về xuất nhập khẩu thuốc lá, thuế, hải quan, quản lý thị trường và lực lượng công an chuyên trách. Ngoài ra còn có Ban Chỉ đạo 389 về phòng chống các tội phạm buôn lậu. Do vậy, bà Liên khẳng định: “Tôi nghĩ rằng về mặt tổ chức bộ máy và cơ chế thực thi thì chúng ta không thiếu”.

Đồng quan điểm, ông Hải nói về tương lai của việc kiểm soát thuốc lá mới: “Nếu như tới đây cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đánh giá, kiểm nghiệm thuốc lá mới, đặc biệt là TLNN do dễ nhận diện là sản phẩm thuốc lá hơn, thì chúng ta đưa ra những quy định quản lý như khuyến cáo của WHO, đó là cần phải quản lý như đối với thuốc lá truyền thống, thì chúng ta đã có sẵn kinh nghiệm, bộ máy, con người để có thể thực hiện được điều này”.

Thực tế, cho đến nay các bộ tham mưu cho Chính phủ vẫn chưa thống nhất được quan điểm trong quản lý thuốc lá mới. Về góc độ này, các đại biểu tham gia đều chia sẻ cùng Bộ Công Thương và Bộ Y tế, bởi hướng tiếp cận của các bộ dù có khác nhau nhưng đều có cơ sở, mục tiêu hợp lý. Tuy nhiên, điều này cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong hoàn thiện chính sách quản lý.

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, Nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cảnh báo, việc để các sản phẩm thuốc lá mới tràn lan mà không có sự giám sát sẽ tác động tiêu cực đến vai trò quản lý nhà nước. Về mặt kinh nghiệm quốc tế, trong số 184 quốc gia không cấm TLNN, nhiều nước nhìn nhận “lợi ích lớn hơn nguy cơ” khi cho phép hợp pháp hóa TLNN. Điển hình, theo báo cáo tháng 8/2024 của Bộ Y tế Nhật Bản, tỷ lệ hút thuốc lá điếu tại nước này hiện chỉ còn 10% so với 20,7% năm 2012, với 4,6% người hút thuốc chuyển sang sử dụng TLNN. Đồng thời, tỷ lệ giới trẻ Nhật sử dụng TLNN được ghi nhận là không đáng quan ngại vì rất thấp, chỉ 0,1%.