Khúc tưởng biệt nhạc sĩ Hoàng Vân

TP - Vài năm nay, Hoàng Vân có những khoảnh khắc của tuổi già tưởng không tránh nổi lưỡi hái tử thần. Nhưng phúc phận đã dìu ông vượt qua. Sáng 4/2 rét mướt của Hà Nội, nhạc sĩ được cả dân tộc yêu mến đã không vượt qua nổi ngưỡng cửa tuổi 89. 
Nhạc sĩ Hoàng Vân (1930- 2018). Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh 24/7/1930 tại phố cổ Hà Nội. Chàng trai Hà Nội “jin” vốn ham mê hội họa đã rời phố cổ gia nhập trường kỳ kháng chiến từ năm 16 tuổi với nhiệm vụ của một liên lạc viên dọc các chiến lũy. Năng lực âm nhạc của ông lại được khám phá khi là lính sư đoàn 312– sư đoàn đồng bằng. Nếu trong lịch sử chiến tranh, không có nơi nào như Việt Nam kéo pháo lớn vượt qua núi nhằm khống chế điểm cao sẵn sàng đối phó với đối phương, thì trong lịch sử âm nhạc cũng chẳng nơi nào lại có điệu Hò kéo pháo. Người làm ra điệu hò này bắt đầu đặt cái tên vào lịch sử âm nhạc Việt Nam. Và từ đó, cuộc đời có Hoàng Vân.

Trong những ngày chống Pháp, Hoàng Vân còn được biết đến bởi ca khúc Tin chiến thắng. Còn vang trong trí nhớ giọng hào sảng của Trần Khánh vút cao: “Tin chiến thắng  vang vang - Tin chiến thắng vang vang - Chiều xuống trên cánh đồng trên phố phường vang vang tiếng hát…”. Chiến tranh đã không chọn Hoàng Vân làm một họa sĩ mà là nhạc sĩ. Và ông thật xứng đáng với lựa chọn này.

Mấy năm đầu hòa bình, Hoàng Vân tu nghiệp âm nhạc ở Nhạc viện Bắc Kinh (Trung Quốc). Khi đất nước bước vào thập kỷ 60 thế kỷ XX, tên tuổi Hoàng Vân vụt sáng trên vòm trời âm nhạc, kề những tên tuổi đàn anh. Với công việc âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, Hoàng Vân vừa phối khí vừa chỉ huy dàn nhạc khi thu thanh tác phẩm của đồng nghiệp. Sự bận rộn của “bếp núc âm nhạc” không những không cản trở ông trong sáng tác mà ngược lại còn gây thêm nhiều hưng phấn. Ông bắt đầu xác lập một “kiểu” Hoàng Vân trong phổ thơ qua Những cánh buồm (thơ Hoàng Trung Thông), Nhớ (Thơ Nguyễn Đình Thi), Hà Nội – Huế - Sài Gòn (thơ Lê Nguyên), Bài ca tâm tình người thủy thủ (thơ Hà Nhật)… Bên cạnh đấy là sự tiếp nối những trường ca thời chiến tranh qua Tôi là người thợ lò và đặc biệt là hợp xướng Hồi tưởng nằm trong tổ khúc hợp xướng do các nhạc sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam là Hồ Bắc, Hoàng Vân và Phạm Tuyên sáng tác nhân kỷ niệm 15 năm thành lập nước. Sau giai điệu rộn ràng của dàn đồng ca thiếu nhi: “Trời cao trong xanh sương sớm long lanh…” lại vút lên đĩnh đạc giọng vàng Trần Khánh: “Tổ quốc đời đời còn ghi nhớ những năm bốn mươi không bao giờ quên…”.

Ngày ấy, với cây đũa chỉ huy, Hoàng Vân đã khóc ròng ròng khi nghe Trần Khánh lĩnh xướng. Và cũng ngay ngày ấy, giao hưởng thơ Thành đồng Tổ quốc của ông đã được trình tấu. Có lẽ đây là những năm tháng đẹp đẽ nhất của đất nước và của Hoàng Vân. Với bản lĩnh đầy tự tin, Hoàng Vân bước vào thế giới nhạc cho điện ảnh với phim Con chim vành khuyên, sau đó tiếp tục với Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Một tính cách âm nhạc Hoàng Vân không thể trộn lẫn được.

Bên cạnh khúc trữ tình Quảng Bình quê ta ơi, ông viết hành khúc Không cho chúng nó thoát cũng làm nức lòng biết bao chiến sĩ, dân quân tự vệ trên các ụ phòng không. Lên Tây Bắc, Việt Bắc ông có Nổi trống lên rừng núi ơi! Đi với giao thông, tuyến lửa, ông có Bài ca giao thông vận tải. Đi với pháo binh, ông có Bài ca pháo kích. Đi với lái xe, ông có Bài ca trên đường xa. Ở Bài ca trên đường xa, ông đã đưa vào khá nhiều yếu tố nhạc nhẹ thật quý hiếm ở miền Bắc lúc bấy giờ: “Xe ta đi lướt nhanh trên đường - Qua bao nhiêu núi non xóm thôn ruộng đồng…” và đỉnh cao vạm vỡ là hợp xướng Vượt núi. Sự độc đáo của ông thể hiện  khá vững vàng trong Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng - một ca khúc thời sự cho mùa xuân Mậu Thân 1968. Khi ấy, giọng hát Bích Liên lanh lảnh cất cao: “Trông lên Trường Sơn - kia gió đã nổi - Trông ra biển Đông - kia sóng đang gầm…”. Một ca khúc tràn đầy chất rock. Vừa dào dạt, hào sảng theo nhịp chiến đấu của đất nước, Hoàng Vân lại chợt đắm chìm trong những cung bậc thơ dại như con chim vành khuyên, Em yêu trường em và đặc biệt Mùa hoa phượng nở rút từ tổ khúc Bốn mùa cho thiếu nhi đã gây trong lòng cả những người lớn tuổi bao xao xuyến về những mùa hè thanh bình: “Tu hú kêu Tu hú kêu - Hoa gạo nở hoa phượng đỏ - Đầy ước mơ, hy vọng…”. Hoàng Vân cứ thế song hành với các giọng vàng như Trần Khánh với Người chiến sĩ ấy, Tôi là người thợ lò… Còn Bích Liên thì sau Chào anh giải phóng quân,  chào mùa xuân đại thắng  là Bài ca người giáo viên nhân dân hiếm hoi tiết điệu tango lúc bấy giờ.

Giữa những hoạt động tổng lực trong cả bề nổi, “trong bếp núc” âm nhạc, Hoàng Vân vẫn tiếp tục chung thủy với nhạc múa, nhạc phim và khí nhạc. Nhiều nhạc phim tài liệu ra đời. Khi B52 trút xuống Hà Nội tháng 12/1972, ông lại “tốc ký” cùng đoàn làm phim “Em bé Hà Nội”.

Giữa những ngày liên tục sáng tạo của một thời kỳ vừa trăn trở, vừa hưng phấn với Cô gái Thái Bình - cô gái Việt Nam, Hai chị em… Hoàng Vân chợt ẩn mình dưới một biệt danh nghe có vẻ rất Tây Nguyên: Y Na. Thực ra ‘Y Na” là “Yêu Ngọc Anh” - người bạn đời gắn bó cùng ông qua những thăng trầm. Nhưng quả thật, Y Na xuất hiện với Tiếng cồng giải phóng - tiếng cồng chiến thắng in đậm dấu vết dân ca Tây Nguyên.

Sau ngày thống nhất, Hoàng Vân có thời gian thực tập âm nhạc ở nhạc viện Sofia (Bulgarie). Trở về, Hoàng Vân lại góp vào đời sống âm nhạc một giọng điệu mới với: Tuổi trẻ đi xa đầy hơi thở nhạc nhẹ; Bài ca xây dựng đậm chất bán cổ điển; Tình ca Tây Nguyên tươi mới và cuốn hút cho giọng nam Tiến Thành và tốp nữ phụ họa. Vào thập kỷ cuối thế kỷ trước, Hoàng Vân tiếp tục công bố: Giao hưởng số 2 sau Giao hưởng số 1, tổ khúc hợp xướng Điện Biên. Và vẫn tiếp tục khai phá nhạc phim với Trương Chi, Phía sau cổng trời…

Tôi có 6 năm ở gần ông dưới mái nhà Hội Nhạc sĩ Việt Nam ở 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội với biết bao kỷ niệm, bao cuộc chuyện trò về âm nhạc. Nghỉ hưu, ông quay về với hội họa và thư pháp cũng “rất Hoàng Vân”. Lúc nào ông cũng lịch duyệt trong một cốt cách rất “trai phố cổ”. Tôi viết những dòng này như khúc tưởng biệt một người anh, một tài năng âm nhạc lớn rất xứng đáng với giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

Tên tuổi Hoàng Vân thời “tam thập nhi lập” khiến ông trở thành nỗi đam mê cho đông đảo người yêu âm nhạc, trong đó có cả những người đang tranh đấu ở miền Nam. Khi chiến tranh phá hoại lan ra miền Bắc năm 1965, Hoàng Vân bươn chải trên các nẻo đường đất nước. Vừa hoàn thành hợp xướng Thành phố chúng ta – nhà máy chúng ta cho Hải Phòng kịp kỷ niệm 10 năm giải phóng, ông lại vào ngay tuyến lửa Quảng Bình. Và bài tình ca đầy xúc động Quảng Bình quê ta ơi thu thanh qua giọng hát Kim Oanh và tốp nam nữ, được phát liên tục trên làn sóng điện. Nó được hát khắp nơi, hát cả trong đám cưới thời đó. Từ trẻ con đến cụ già đều nhẩm đầu môi: “Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta nhiều ngói mới…”.

                Thanh Tùng