Khổng Tử ở Mỹ

TP - Một tờ báo có trụ sở ở thủ đô Washington DC vừa làm loạt bài về các học viện Khổng Tử (CI) và tác động của chúng ở Mỹ.

Trong bài đầu tiên, Washington Examiner (WE) mô tả sự suy giảm đáng kể các CI trên toàn lãnh thổ Mỹ. Trào lưu tẩy chay CI có lẽ là kinh nghiệm sâu sắc về cách quảng bá di sản văn hóa.

Bài thứ nhất của WE xuất bản ngày 4/5 cảnh báo số lượng các CI giảm hơn nửa chỉ sau mấy năm. Theo tờ báo bảo thủ chuyên nhắm đến độc giả trung lưu, đến tháng 4/2021, toàn quốc (Mỹ) còn 50 CI trong khi, năm 2017 có tới 103 CI. Báo này liệt kê gần tá CI có kế hoạch đóng cửa trong năm nay.

Thống kê được lấy từ Hiệp hội Học giả Quốc gia (NAS) chuyên theo dõi hoạt động của các CI tại Mỹ. Trong số 50 CI còn đang sinh hoạt tính đến 27/4, theo NAS, 44 CI có trụ sở tại trường cao đẳng và đại học, năm CI tại hệ thống giáo dục phổ thông công lập, và một CI tại một cơ sở tư thục mang tên Học viện Trung Quốc.

Cùng với đó là suy giảm chương trình tài trợ từ các CI. Theo phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ, toàn quốc hiện còn 27 tài trợ từ các CI trong khi, đầu năm 2021, số ấy là 44. Nhiều trường đại học Mỹ đang tìm cách dừng liên kết với các CI vì hoài nghi hoạt động hằng ngày của mô hình này, bao gồm cả “các vi phạm mang tính thường xuyên trong khuôn khổ các chương trình trao đổi chuyên gia”.

Đáng chú ý hơn cả có lẽ là lá cờ đầu của phong trào CI tại Mỹ cũng đang trong quá trình hạ cờ. Đấy là Đại học Columbia, trường duy nhất trong nhóm các trường đại học danh tiếng của Mỹ (cùng mang tên Ivy League). CI tại nơi này được mô tả “gần đây đã lặng lẽ đóng cửa sau gần thập kỷ hoạt động”.

CI tại Columbia từng được xem như biểu tượng sức mạnh liên kết văn hóa Mỹ-Trung. Một bài báo năm 2013 trên Nhân dân Nhật báo của TQ cho biết, ngay từ 2010, Columbia được TQ hứa cho một triệu USD để trường này tổ chức các sự kiện văn hóa và nghiên cứu TQ trong năm năm. Đến nay, theo Bộ Giáo dục Mỹ, Columbia nhận được 62 triệu USD từ TQ trong đó, riêng năm 2020, là 17,6 triệu USD.

Loạt bài về các CI toát lên vấn đề về xuất khẩu văn hóa. WE nhắc lại việc trung tâm điều phối các CI bị Bộ Ngoại giao Mỹ dán nhãn “phái bộ nước ngoài”. Cái cần suy ngẫm có lẽ là hãy để văn hóa là văn hóa, vì văn hóa. Giá trị của một dân tộc, xét đến cùng, là văn hóa của dân tộc ấy được đón nhận thế nào khi cọ xát ngoài biên cương.