Nhận tin vợ mất, người chồng không tin. Anh chạy tới viện hỏi và cứ ở cổng chờ vợ suốt 3 ngày trời. Người nhà khuyên nhủ kiểu gì anh cũng không về, ngoài trời thì mưa tầm tã.
Cây cầu kết nối từ bên trong "chiến tuyến"
Cuối tháng 7/2021, chị Văng Thị Ngọc Bích, nhân viên Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Chợ Rẫy) được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin về bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho người nhà đang ngóng tin ở ngoài.
Khi số điện thoại “Tìm người bệnh COVID Bệnh viện Chợ Rẫy, Hồi sức” được công bố, chị Bích liên tục nhận được các tin nhắn. Người nhà cung cấp họ tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại đăng ký nhận tin người bệnh, thời gian nhập viện của bệnh nhân. Từ đây, chị tra cứu thông tin và báo lại cho họ.
Mỗi lần kiểm tra thông tin, thấy tình trạng bệnh nhân từ nặng chuyển sang nhẹ, chị Bích mừng khôn tả. Chị thấy như chính người thân của mình đang khỏe lên vậy.
Chị Bích kể, mỗi dòng tin nhắn đều toát lên sự tha thiết, nóng ruột. Có trường hợp chị Bích chỉ nắm được tên tuổi, địa chỉ kèm thông tin mơ hồ rằng “người nhà bị COVID-19 được đưa vào viện, nhưng không rõ viện nào, xin nhờ tìm giúp”.
Cứ như vậy, chị Bích cùng các đồng nghiệp trở thành những “sứ giả truyền tin” tới người thân bên ngoài “chiến tuyến”.
Có rất nhiều gia đình cùng bị COVID-19, mỗi người mỗi ngả. Người thuộc diện F1 thì đi cách ly ở những nơi khác nhau. Mấy người thuộc diện F0 thì nhập viện. Khi biết số đường dây nóng, họ cùng nhắn tin tìm kiếm và vô tình chị Bích trở thành cầu nối kết nối họ lại với nhau.
Có gia đình cả bố mẹ và con gái cùng nhập viện vì COVID-19. Số điện thoại đăng ký khi vào viện là của người mẹ. Ít hôm sau, người bố và con gái không may qua đời nên tin báo tử được gửi về cho người mẹ.
“Nhận được tin, người mẹ vô cùng hoảng loạn. Anh con trai ở ngoài gửi tin nhắn nhờ chúng tôi tới trấn an mẹ. Các nhân viên trong phòng cùng các y bác sĩ lại thay người nhà động viên bệnh nhân để bà vượt qua cú sốc mất người thân”, chị Bích bồi hồi chia sẻ.
Trung bình mỗi ngày chị Bích nhận được khoảng 100 tin nhắn. Những ca tìm được thông tin luôn thì chỉ sau 10 -15 phút là chị báo lại cho người nhà. Nhưng cũng có ca phải mất cả buổi, thậm chí mấy ngày liền.
Chị Bích kể về trường hợp một người con đang sinh sống tại Đà Nẵng tìm cha bị COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trước đây, cha của anh được người giúp việc đưa vào bệnh viện. Nhưng sau đó người giúp việc cũng đi cách ly rồi mất liên lạc luôn. Số điện thoại đăng ký là của người giúp việc. Vì thế, gia đình không nhận được tin tức gì của người bệnh.
Ba ngày sau, chị cũng tìm được cha cho người con trai kia. Tiếc là lúc ấy, người cha đã qua đời...
Cảm nhận rõ nỗi đau
Có hôm chị Bích nhận được tin nhắn nhờ tra thông tin về bệnh nhân nữ sinh năm 1984 (nhà ở Lê Đại Hành, Quận 11, gần Bệnh viện Chợ Rẫy).
Chị kể: “Người nhắn tin là cháu bệnh nhân. Sau khi xác minh, tôi được biết bệnh nhân đã mất ngay khi nhập viện. Biết tin, người cháu báo cho chồng của bệnh nhân. Tuy nhiên, người chú không tin, chạy tới viện hỏi và cứ ở cổng viện chờ vợ suốt 3 ngày trời. Người nhà khuyên nhủ kiểu gì cũng không về, ngoài trời thì mưa tầm tã.
Người chồng nói rằng, khi đưa vợ vào đã đăng ký số điện thoại. Tại sao bệnh viện không báo tin về cho anh ấy. Anh ấy tin chắc rằng vợ vẫn còn sống. Khi tôi kiểm tra lại thì thấy hóa ra, số điện thoại đăng ký nhận tin lại là của người vợ. Sau khi bệnh nhân mất, điện thoại được để ở phòng bảo vệ nên người nhà không nắm được thông tin. Có lẽ lúc đưa vợ vào viện, anh chồng bối rối nên không nhớ là đã đăng ký số điện thoại nào”.
Gia đình lo lắng nếu người chồng cứ chờ ở viện thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Người cháu đã nhờ chị Bích nhắn tin tới số của anh chồng để anh chấp nhận sự thật. Lúc đó, tôi cảm thấy rất xót xa, cứ nghĩ anh ấy chờ ngoài cổng viện 3 ngày mà tôi rơi nước mắt", chị Bích nghẹn ngào nhớ lại.
Khác với chị Bích, chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng, Phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Chợ Rẫy) lại chuyên phụ trách việc báo thông tin tử vong. Chị Hằng cho hay: "Khi tôi thông báo tin bệnh nhân mất, nhiều gia đình rất sốc. Khi họ khóc, tôi cũng lặng theo”.
Theo chị Hằng, mỗi lần thông báo tin buồn cho gia đình các bệnh nhân, chị cảm nhận rất rõ nỗi đau mất mát mà họ phải gánh chịu. Có lần, chị báo tin cho một nam thanh niên về việc người thân của anh qua đời. Nghe tin, anh vừa khóc vừa giãi bày rằng gia đình anh có 5 người mất vì COVID-19 và 11 người khác đang điều trị căn bệnh này.
Đảm nhận công việc này, đôi khi chị Bích, chị Hằng cùng các đồng nghiệp không tránh khỏi áp lực. Có người nhận được tin báo tử vong liền nổi nóng, trách rằng sao không báo tin sớm hơn.
“Những lúc như vậy, tôi đặt mình vào vị trí của người nhà bệnh nhân. Họ đang rất buồn và sốc bởi nhiều trường hợp đưa người nhà vào viện sau đó mất liên lạc. Tới khi họ nhận được thông tin thì người thân đã qua đời.
Tôi chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để không còn ai phải nhận tin buồn vì COVID-19 nữa”, chị Bích chia sẻ.
Link gốc:
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/khong-tin-vo-mat-vi-covid-19-chong-cho-o-cong-vien-suot-3-ngay-mac-troi-mua-769652.html?fbclid=IwAR2fjxc6VmCARQBwBiRTw7uktDRtYAAC_zBS9rYyOR3HTJ__HybHsEnZh5M