Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam là khu vực có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng. Khoảng 90% trẻ bị nhiễm lúc dưới 1 tuổi sẽ phát triển thành viêm gan B mạn tính và là nguồn lây chủ yếu của cộng đồng; trong khi nhiễm lúc 1-4 tuổi thì 40% trở thành mắc bệnh mạn tính.
Tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ nhằm mục đích phòng chống lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con. Đây là chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới, và là chỉ đạo của Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia trong phòng chống bệnh viêm gan B. Việc tiêm vắc - xin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con.
Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày. Nếu không triển khai tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh thì hàng năm ước tính ở Việt nam có thêm khoảng 54.600 trẻ nhiễm virus viêm gan B mạn tính, sẽ là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng và khoảng 20-30% số trẻ này (tương đương 11.000-16.000 trẻ) sẽ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan sau này. Chi phí điều trị sẽ rất tốn kém.
Kể từ khi đưa vắc-xin viêm gan B vào sử dụng năm 2002, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ lớn trong công cuộc phòng chống bệnh viêm gan B, đưa tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B có HBsAg (+) ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 2% vào năm 2014 và tiếp tục hướng tới mục tiêu giảm xuống dưới 1% vào năm 2017. Để có thể đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ khi mới lọt lòng mẹ và bổ sung các liều tiếp theo theo quy định của Bộ Y tế để đảm bảo sức khỏe của trẻ và bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm viêm gan virus.