Không quân Mỹ lần đầu tiên đem tiêm kích tàng hình F-35 đi đánh trận

TPO - Cuối cùng, Không quân Mỹ đã mang tiêm kích con cưng F-35 ra thực chiến, một báo cáo vừa cho biết.

Hai chiếc F-35 được nói là đã tham gia không kích vào một mạng lưới hầm ngầm và kho vũ khí bí mật của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq vào ngày 30/4.

Cuộc không kích hôm thứ Ba đánh dấu lần đầu tiên Mỹ sử dụng các tiêm kích F-35A cất hạ cánh thông thường vào chiến đấu thực tế. Trước đó, tháng 5/2018, Israel nói đã mang F-35A tham gia không kích lần đầu tiên. Đến tháng 9/2018, Thủy quân lục chiến Mỹ  đã cho các tiêm kích F-35B phiên bản dành cho hải quân và thủy quân lục chiến thực hiện nhiệm vụ đánh trận lần đầu tiên, tại Afghanistan.

Theo Bộ Tư lệnh Trung ương Không quân Mỹ, cuộc không kích diễn ra ở Wadi Ashai, đông bắc Iraq. Trước đó, một bản tin của cơ quan này hôm 24/4 nói các phiến quân IS “đang tìm cách chuyển đạn dược, thiết bị và nhân sự” tới Wadi Ashai nhằm chuẩn bị điều kiện để phản công vào các lực lượng chống IS. Việc này dẫn đến đợt tấn công của Lực lượng an ninh Iraq, đi kèm sự hỗ trợ kết hợp của liên quân.

 

“Các máy bay F-35A đã tiến hành không kích vào một hệ thống hầm ngầm cố thủ của IS và kho vũ khí bí mật của chúng sâu trong núi Hamrin, một vị trí có thể đe dọa các lực lượng đồng minh”, Bộ Tư lệnh Trung ương Không quân Mỹ nói.

Nhưng Bộ Tư lệnh Trung ương Không quân Mỹ không nói thêm chi tiết về vụ không kích, ví dụ chúng thành công đến đâu, theo Business Insider.

Việc Không quân  Mỹ sử dụng tiêm kích tàng hình F-35A  đã được dự báo từ vài tuần trước, sau khi binh chủng này triển khai máy bay F-35A tới căn cứ không quân Al Dhafra ở Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) vào ngày 15/4.

Không quân Mỹ cũng không cho biết cụ thể có bao nhiêu tiêm kích F-35 đang hoạt động ở Trung Đông nhưng tất cả số máy bay này đều đến từ Không đoàn tiêm kích 388 và 419  ở căn cứ không quân Hill thuộc bang Utah, Mỹ.

Máy bay F-35do hãng Lockheed Martin chế tạo, là tiêm kích mới nhất của quân đội Mỹ. Chương trình F-35 đã bị chậm trễ, gặp khó khăn bởi chi phí phát sinh và thời gian thực hiện liên tục phải gia hạn kể từ khi khởi động từ 20 năm trước. Văn phòng Kiểm toán chính phủ Mỹ ước tính chương trình F-35 sẽ tiêu tốn trên 1.000 tỷ USD cả vòng đời.

Các nhà chiến lược của Không quân Mỹ triển khai F-35 tới Al Dhafra bởi các cảm biến và hệ thống máy tính tối tân của loại máy bay này có nhiều ưu thế trong tác chiến ở Trung Đông.

“Chúng tôi có năng lực thu thập, hệ thống hóa, phân tích và luân chuyển rất nhiều thông tin, giúp các máy bay đồng đội và đồng minh tăng khả năng sống sót, tăng năng lực hủy diệt đối phương”, trung tá Yosef Morris, chỉ huy phi đội tiêm kích số 4 và là phi công F-35 nói.

“Việc đó, kết hợp với công nghệ tàng hình, cho phép chúng tôi hỗ trợ, bổ khuyết cho mọi lực lượng phối hợp và sẵn sàng  hỗ trợ các lực lượng dự phòng ở khu vực”.

Trung sỹ  Karl Tesch, nhân viên kỹ thuật vũ khí thuộc đội bảo dưỡng , hậu cần mặt đất máy bay số 380, nói thêm rằng “ máy bay này thông minh hơn, thông minh hơn rất nhiều (so với các tiêm kích khác của Mỹ), và do vậy nó có thể làm nhiều việc hơn. Nó cũng giúp chúng tôi lắp vũ khí nhanh hơn so với các loại máy bay khác.

Tuy nhiên, đã xuất hiện một vụ rơi F-35A gần đây, trong không quân Nhật Bản mà nguyên nhân chưa được xác định.