Một hạt mầm “khủng” kết từ cành đào khô có kích thước dài 7 mét, đường kính 3 mét nằm lơ lửng trên một bể nước hình chữ nhật. Người qua lại không thể không dừng ánh mắt tại vật thể lạ lùng này. “Hạt và mầm”, “Cá voi”, “Nỗi nhớ rừng”, “Xã hội” là chuỗi tác phẩm điêu khắc ngoài trời của nhóm bốn nghệ sĩ thuộc dự án “Rác xuân 2018”.
Nghệ sĩ Yến Năng, người khởi xướng “Rác xuân” 1 và 2 cùng nhiều cuộc sắp đặt rác trước đó chia sẻ: Ban đầu anh em cứ tưởng lần này chỉ là cuộc chơi đào tàn chớp nhoáng, không ngờ Vicas Art Studio (Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại) tìm cho nhóm một không gian có thể bày tác phẩm cho tới khi mục gẫy.
Máu lửa như rock
Trước Tết, nhận địa điểm là bể nước cây cảnh cỡ lớn ngay trước mặt sân trung tâm, nghệ sĩ Hà Huy Mười nảy ra ý tưởng về một vật gì đó giống cái hạt hình con thoi nằm cách mặt nước khoảng 1-2 mét. Yến Năng, Lê Đức Hùng (Hùng Dingo), Phạm Hồng Sâm cùng lúc nảy ra tứ cho tác phẩm của riêng mình. Họ thống nhất, cùng hỗ trợ, hoàn thiện cho tác phẩm của nhau và vẫn giữ được cá tính nghệ thuật của từng người. Sau Tết nhóm tác giả thuê lao công đi các nơi thu gom gần một nghìn cành đào rác, về gửi tại nhà xưởng của một số bạn bè quen.
“Tính sáng tạo trong sự kiện nghệ thuật này giúp cho chúng ta nhiều hơn chúng ta nghĩ về việc tổ chức một sự kiện nghệ thuật thông thường. Và đó là lý do tại sao tôi trân trọng những đóng góp của những nghệ sĩ, những nhà tổ chức, và tôi ủng hộ sự kiện nghệ thuật này”.
GS.TS, Bùi Hoài Sơn
Cuối tháng ba, núi củi đào ùn ùn tập kết tại sân Vicas Art Studio và “công trường” bắt đầu khởi động với máy cưa, hàn và cả xe cần cẩu vì khung sắt cho “Hạt và mầm” vô cùng nặng. Hàng trăm cành đào được cột vào khung, cần cẩu nâng hạt “khủng” vào bể. Khó và căng thẳng nhất là khâu dán gương. Hai miếng tôn tròn đường kính 3 mét hàn áp vào mặt của hai nửa hạt, các mảnh gương đỏ và trắng được dán vào tạo hiệu ứng gương rối. Một hình phản chiếu thành trăm hình lộn xộn. Trong lúc leo trèo, Hùng Dingo bị ngã, may mà chỉ bị thương nhẹ.
Phạm Hồng Sâm bó và uốn củi đào thành một chú cá voi nhảy xuyên qua cột nhà. Đầu chú cá hướng xuống thấp để mọi người đi qua có thể xoa đầu. “Cá voi là động vật có nguy cơ diệt chủng. Đó là con vật to lớn mà sự tồn tại mong manh nên tôi đã được truyền cảm hứng”. Họa sĩ biếm họa Hùng Dingo tái hiện bức tranh “Cây cưa” từng được giải tại Cúp Rồng tre (2014) vào tác phẩm “Nỗi nhớ rừng”. Các cành đào rối được nhồi vào khung sắt hình cây cưa, bung xòe gốc và ngọn ra khỏi khuôn như một lời kêu cứu.
Tác phẩm “Xã hội” của Yến Năng là hai hình người dán gương lồi đặt đối diện. Những ngọn đào phần mái tóc dựng đứng như rocker đang trình diễn máu lửa. Khi ít nhất có một người trong chúng ta bước đến, nó tạo thành ba người (con số 3 là số nhiều, tượng trưng cho cái mà chúng ta vẫn thường gọi là XÃ HỘI), tác giả lý giải. Cũng như ba tác phẩm còn lại, “Xã hội” mang tính tương tác mạnh với khách selfie.
Đến “Rác xuân”có người nhìn ra con nhím, có người bảo tổ chim, cái kén khổng lồ, khối khói bụi , đám cháy… ai nhìn ra cái gì sẽ thành cái đó, tùy thích.Không khó để cảm nhận quan điểm về môi trường và vẻ đẹp cần giữ gìn. Những người chơi củi rác có cách biểu đạt giống như những rocker, thẳng thắn, bay bổng, phóng khoáng.
Trả lời câu hỏi trong khi nhiều tác phẩm sắp đặt phải làm trộm (không giấy phép) thì vì sao Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (cơ quan chủ quản của Vicas Art Studio) đồng ý cho “Rác xuân” vào ngự vô thời hạn, GS-TS, Viện trưởng Bùi Hoài Sơn cho biết “Tính sáng tạo trong sự kiện nghệ thuật này giúp cho chúng ta nhiều hơn chúng ta nghĩ về việc tổ chức một sự kiện nghệ thuật thông thường. Và đó là lý do tại sao tôi trân trọng những đóng góp của những nghệ sĩ, những nhà tổ chức, và tôi ủng hộ sự kiện nghệ thuật này”.
Những “tay chơi” củi rác
Tốt nghiệp khoa điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp năm 1999, Yến Năng từng mở xưởng điêu khắc ứng dụng, sau mở xưởng mộc chuyên thiết kế bàn thờ hiện đại cho các căn hộ chung cư. Họa sĩ là người đầu tiên tạo ra trào lưu mới kiểu dáng bàn thờ tối giản, phù hợp với không gian và nội thất thời đại. “Công việc này mang lại thu nhập ổn định nhưng không giàu có, tôi chỉ có một chút thuận lợi hơn các anh em cùng nghề khi tổ chức những cuộc chơi nghệ thuật xen giữa tháng ngày bộn bề mưu sinh”. Hầu như năm nào, Yến Năng cũng tụ bạn bè lại làm một cuộc sắp đặt rác. Ngoài “Rác xuân” 1 và 2, có lần cả hội bay vào huyện Hóc Môn, TPHCM dùng rác địa phương như rơm, cây tầm vông, than tổ ong làm thành tác phẩm người khổng lồ. Họ ngắm nghía chụp ảnh tự thưởng thức đến cuối ngày thì phải thu dọn.
Năm ngoái cả hội ra bãi giữa sông Hồng làm dự án ba ngày. Các thành viên “Rác sông Hồng” vớt rác trôi trên sông tập hợp lại thành một hình khối lớn, rồi phủ lên một lớp lưới đỏ rực. Khán giả không khỏi bất ngờ với danh sách đồ vật bị ném xuống sông. Một lô đất khác gần đó được căng dây chia ô, trong tờ rơi phát cho mỗi khách tham dự ghi câu hỏi: Nếu bạn được chia lô đất này bạn sẽ làm gì với nó? Có nhiều câu trả lời khác nhau: “tôi sẽ xây trường học”, “khu thể thao”, “xây nhà từ thiện”, “nhà riêng”… với mong muốn lương thiện nhưng “tôi thấy nếu nó là lòng sông thì nó phải là lòng sông. Nếu bị chia cắt vì bất cứ mục đích nào nó đều bị biến thành rác - Yến Năng bày tỏ.
Tiền thu dọn đắt bằng tiền làm tác phẩm. Lần ở sông Hồng, nhóm phải thu dọn cả rác của mình lẫn rác của người đi picnic xả ra. Củi đào sau mỗi lần làm “Rác xuân” phải thuê người bẻ vụn đóng gói đi hủy.
Nhiều người nghĩ Năng và nhóm có tí điên khi bỏ tiền ra cho mấy ngày “tự sướng” rồi phải cật lực thu dọn. “Chúng tôi muốn tự khẳng định năng lực thiết kế thân thiện với môi trường. Ở ta nhiều họa sĩ thiết kế học xong không được sử dụng. Mình cứ bỏ tiền ra làm trước đi, đừng sợ thiệt. Từ củi đào có thể kết thành những mái che trang trí vừa đẹp vừa thoáng, thân thiện tự nhiên, và còn nhiều ứng dụng sẽ lọt mắt xanh của người tiêu dùng”.
Chơi nhiệt tình là thế nhưng kết thúc xong là mỗi người lại quay lại công việc hàng ngày. Yến Năng về xưởng mộc, Hùng Dingo miệt mài sửa máy ảnh, Huy Mười và Hồng Sâm tiếp tục với những đơn hàng thiết kế đồ họa.