Theo ông Hoan, DN nông nghiệp hay chuỗi ngành hàng nông nghiệp có đặc thù rất khác với các chuỗi ngành sản xuất khác, bởi hệ thống chằng chịt, đan xen như mạch máu, có rất nhiều thành phần tham gia. Chẳng hạn, con cá tra, một đơn vị sản xuất giống đã liên quan tới 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ngành hàng gạo thì thương nhân từ tỉnh này sang tỉnh khác để mua bán thóc. Thế nên, chỉ cần một xe hàng tắc ở trạm kiểm soát thì sẽ ảnh hưởng tới cả chuỗi.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để phục hồi sau giãn cách xã hội, cả nông dân, DN lẫn ngành phát triển nông thôn phải thay đổi. Một đất nước phát triển một ngành chuyên môn phải có một tam giác phát triển là Nhà nước - thị trường - xã hội. Ngành nông nghiệp thì có cộng đồng DN nông nghiệp và nông dân. Khi nào 3 đỉnh này gần hội tụ vào nhau, khoảng giao thoa càng lớn lên, ngành nông nghiệp đỡ rủi ro.
Hiện, Bộ NN&PTNT đã giao Tổ công tác 970 hình thành các ngành hàng chế biến thủy sản, rau củ, trái cây... đúng nghĩa để dần trộn các hiệp hội DN, ngồi cùng với cơ quan quản lý nhà nước, hợp tác xã cùng nhau luận bàn đưa sáng kiến về các giải pháp cho nông sản.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng đại dịch lần này là cơ hội để thử thách tính liên kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là tư duy liên kết vùng của của 13 tỉnh ĐBSCL. Vừa qua, việc mỗi tỉnh có một quy định riêng về phòng chống dịch và tư duy ngăn sông cấm chợ đã khiến đứt gãy chuỗi sản xuất. Để khôi phục phát triển, các tỉnh ĐBSCL phải là một thực thể kinh tế thống nhất. Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ có nghị quyết về ĐBSCL, trong đó nhấn mạnh tính liên kết vùng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng yêu cầu sau đại dịch, các địa phương nhất quyết phải thay đổi, đưa các nội dung như tổ chức lại sản xuất, khuyến khích người dân vào hợp tác xã, chuẩn hóa lại vùng trồng, vùng nuôi, khuyến cáo người dân giảm chi phí đầu vào bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm lên mục tiêu hàng đầu. Riêng với DN, trong thời điểm này, Bộ trưởng cho rằng cũng cần xem lại cách quản trị, làm sao tiết kiệm chi phí sản xuất, hướng mục tiêu phát triển bền vững, xem người nông dân là đối tác quan trọng trong sản xuất, kinh doanh.