Sau hơn 2 tuần phẫu thuật sỏi thận, vết mổ của bệnh nhân Trần Văn Đ. 49 tuổi ở quận Bình Thạnh, TPHCM vẫn chưa thể lành lặn. Mới đây, vết thương của ông Đ. bỗng dưng mưng mủ, chảy dịch. Các bác sĩ xác định vết mổ của ông Đ. đã bị nhiễm trùng do vi khuẩn.
Tương tự, sản phụ Nguyễn Thị L. 31 tuổi, 10 ngày sau khi mổ sinh con ở BV Phụ sản Hùng Vương vết mổ cũng bị nhiễm trùng, chảy mủ thường xuyên.
Các bác sĩ cho biết, tình trạng nhiễm trùng vết mổ do nhiễm khuẩn từ bệnh viện đang trở thành vấn nạn hiện nay trong điều trị.
Bác sĩ Huỳnh Văn Bình - Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức BV Nhân dân Gia Định TPHCM, cho biết ngoài nhiễm trùng vết mổ, viêm phổi do các loại vi trùng, vi khuẩn có trong bệnh viện gây ra cũng rất dễ bắt gặp.
Một cuộc khảo sát mới đây tại Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức ở bệnh viện này cho thấy, tỷ lệ viêm phổi do thở máy là gần 60%.
Trong đó, tỷ lệ viêm phổi do vi khuẩn Klebsiella Pneumoniae khoảng 50%, viêm phổi do E.coli chiếm gần 27%; viêm phổi sau mổ do vi khuẩn Pseudomonas Aeruginosa gây ra chiếm 20%.
Điều đáng nói, có hơn 93% mẫu đàm của bệnh nhân nằm viện khi phân lập được đều có vi khuẩn đa kháng thuốc, kháng với kháng sinh điều trị.
Cùng bàn về chủ đề này, bác sĩ Lê Thị Anh Thư ở BV Chợ Rẫy TPHCM, cho biết, tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện khiến bệnh nhân bị viêm phổi thường gặp nhất, chiếm 45%, tiếp theo là nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm trùng tiểu và nhiễm trùng da…
Bệnh “chồng” bệnh
TS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội đồng chống nhiễm khuẩn TPHCM, cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện đang gây hậu quả nặng nề về mặt lâm sàng, làm xuất hiện những chủng vi khuẩn đa kháng nhưng hiện nhiều bệnh viện vẫn chưa quan tâm.
Kết quả khảo sát hàm lượng vi sinh vật có trong không khí của 33 phòng mổ, phòng hồi sức tại 13 bệnh viện ở TP HCM của Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM vừa qua, cho thấy tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn gần 80%.
Theo bác sĩ Thư, nhiễm khuẩn bệnh viện tập trung cao ở khu vực hồi sức cấp cứu và ngoại khoa. Trong đó có 3 loại nhiễm khuẩn thường gặp là nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm khuẩn tiêu hóa.
Các bệnh nhân không có miễn dịch tốt, người đặt xông dẫn lưu, xông bàng quang, xông niệu đạo, dùng máy thở hỗ trợ hô hấp dễ có nguy cơ nhiễm trùng và bệnh càng nặng hơn.
Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy, vi khuẩn có trong những dụng cụ chăm sóc bệnh nhân, dụng cụ ở phòng mổ, áo của phẫu thuật viên khiến bệnh nhân mang họa.
Theo ước tính hằng năm vẫn có gần 700 nghìn bệnh nhân nhiễm trùng vết mổ do nhiễm khuẩn bệnh viện gây ra.
Các bác sĩ cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện đang là gánh nặng và thách thức cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Khảo sát từ Cục quản lý khám chữa bệnh cho thấy, nhiễm khuẩn bệnh viện kéo dài thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân từ 9,4 đến 24,3 đồng thời kéo theo tăng chi phí điều trị trung bình từ 2-32,3 triệu đồng/bệnh nhân.
Điều tra của Bộ Y tế vào tháng 8 vừa qua trong số 522 bệnh viện cả nước cho thấy chỉ có 33% các bệnh viện có đơn vị kiểm soát nhiễm khuẩn đạt tiêu chuẩn.
Trong khi đó, trên 50% các bệnh viện còn thiếu điểm vệ sinh tay ở mỗi buồng bệnh, bất chấp quy định nhân viên trước và sau chăm sóc bệnh nhân, sau khi cầm dụng cụ, sau khi làm thủ thuật đều phải rửa tay.
Nghiên cứu tại BV Bạch Mai trên 477 bệnh nhân kết quả cho thấy, 90 bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn phổi khiến số ngày nằm viện trung bình ở nhóm bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn phổi khoảng 18-28 ngày, nhiều hơn nhóm bệnh nhân không mắc 13 ngày.
Kết quả khảo sát hàm lượng vi sinh vật có trong không khí của 33 phòng mổ, phòng hồi sức tại 13 bệnh viện ở TP HCM của Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM vừa qua, cho thấy tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn gần 80%.