Một thời “ngạt” khói thuốc nâu
Những ngày gió khô, chúng tôi tìm về thôn Giang Đông (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), tận thấy những nếp nhà ván gỗ thấp lè tè của người dân tộc Mông đan xen những ngôi nhà xây khang trang kiên cố, vườn vải xanh mướt tạo nên khung cảnh bình yên.
Miền sơn cước này không còn khung cảnh điêu tàn, những ngôi nhà hiu quạnh. Giang Đông hiện tại đã khoác lên mình bộ áo mới. Trước khoảng sân đất, người phụ nữ dân tộc Mông đang dồn vỏ bắp ngô đốt, làn khói mờ ảo chấp chới trong không trung. Chị Sùng Thị Sương cho biết, đất đai nơi đây vốn cằn cỗi. Người dân thôn Giang Đông một năm chỉ có hai mùa: Mùa no và mùa đói. Cả năm mưu sinh chỉ trông vào cây ngô, cây sắn trên nương, rẫy, nhưng đó là vào mùa mưa. Mùa khô, không loại cây nào sống được, đất bỏ hoang, mùa này người dân phải đi làm thuê khắp nơi kiếm sống, thu nhập bấp bênh không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Sau khi chuyển đổi qua trồng cây vải, được chính quyền địa phương hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật, người dân phấn khởi vì những năm trở lại đây được thu quả ngọt.
Ánh nắng hanh hao trải dài trên con đường bê tông, anh Xổng A Sử, Tổ trưởng Tổ an ninh trật tự thôn Giang Đông cho biết, nơi đây bây giờ đã khởi sắc, mặc dù đời sống bà con vẫn còn nhiều vất vả. Nhắc đến những tháng năm trước đây, anh Xổng A Sử không khỏi trăn trở. Anh cho biết, cách đây gần 10 năm, đây là một trong những địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, đi đến đâu cũng thấy “bóng ma” vật vờ vì thuốc phiện. Mặc dù lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt để đấu tranh, triệt phá nhưng nhiều đối tượng từ các địa phương khác tìm đến đây để mua bán ma túy.
Dừng trước căn nhà ván gỗ đóng cửa im ỉm, quần áo vắt la liệt trên dây phơi trước hiên nhà, anh Sử cất tiếng gọi. Sau khoảng im lặng, cánh cửa từ từ hé mở, người phụ nữ gầy gò, khuôn mặt hốc hác lấm lét nhìn chúng tôi. Sau khi anh Sử trao đổi bằng tiếng Mông, bà S.T.T (SN 1981) trải lòng, sau 12 tháng cải tạo tốt, cách đây 2 tháng bà T được về với gia đình, với bà giờ chỉ mong được sống yên ổn bên con cháu.
Gia đình bà T rời quê Yên Bái di cư vào thôn Giang Đông năm 1996. Mỗi ngày, hai vợ chồng chăm chỉ làm nương rẫy nuôi 8 người con. Khi cơn bão ma tuý quét qua, chồng bà là ông P.A.Tr dính vào nghiện ngập. Những bao ngô, sắn, và tài sản trong nhà lần lượt “bay” theo “làn khói trắng”. Và rồi, bà cũng bị cuốn vào cơn nghiện lúc nào không hay. Năm 2022, ông Tr bị cơ quan chức năng đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Đôi mắt thâm quầng hốc hác của người phụ nữ ngoài 40 xa xăm, câu chuyện của bà như dài hơn bởi tiếng thở dài xen lẫn. Một ngày vào năm 2023, trong cơn thèm thuốc, bà cầm 100 nghìn đồng đi mua ma túy, vừa về đến cửa nhà, bị lực lượng công an bắt giữ. Giọng bà ngắt quãng, trong thời gian ở tù, bà nhận ra nhiều điều. Chính loại “đặc dược” này bào mòn sức khoẻ và khả năng tư duy của đồng bào nơi đây. Bây giờ sức khỏe bà yếu dần, không còn khả năng lao động như trước. Chồng bà sau thời gian cai nghiện đã trở về, bây giờ tu chí làm ăn lo cho gia đình.
“Cơn lốc” ma túy đi qua khiến nhiều gia đình tan cửa nát nhà, có người sống trong cảnh hiu quạnh góa bụa, nhiều người dính chàm ma túy khi bị các đối tượng rủ rê lôi kéo. Tại thôn Giang Đông, gia đình ông G.D.L là câu chuyện đau lòng mỗi khi nhắc đến. Ông L bị bắt đi tù 3 năm vì liên quan đến một vụ án ma túy, sau khi trở về đổ bệnh và qua đời. Người vợ bị bắt khi chồng mất chưa được 3 ngày. Hai con trai bán dần tài sản để lấy tiền sử dụng ma túy, sau đó, cả hai được đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Từng bước đổi mới thôn nghèo
Năm tháng trôi qua, những bước chân không mệt mỏi của lực lượng công an, chính quyền đã đến từng ngôi nhà của bà con để tuyên truyền vận động. Công an xã luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con, chăm lo đời sống người dân. Để những người lầm lỡ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời, lực lượng công an xã Ea Dăh cùng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng hỗ trợ một số người vay vốn phát triển kinh tế.
Nhìn đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ, chị M.T.M (SN 1996) chia sẻ, năm 2022, sau khi mãn hạn tù về các tội mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy, chị được hỗ trợ cho vay 100 triệu đồng. Chị đã mua 4 con trâu để phát triển kinh tế. Hiện tại, cuộc sống của gia đình chị M đã ổn định.
Trước đây, cái tên thôn Giang Đông trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương. Nhưng bây giờ, thôn đã khoác lên mình tấm áo mới sau nhiều cố gắng của chính quyền, các ban, ngành chức năng và của chính những người dân. Bà con đã chăm chỉ làm ăn, tham gia tích cực các phong trào của địa phương.
Trên con đường bê tông rộng rãi, trẻ em vui đùa ríu rít như bầy chim non. Trước ngôi nhà xây khang trang còn thơm mùi sơn mới, bà Sùng Thị Nhìa (SN 1972) say sưa kể với chúng tôi về sự đổi thay thôn Giang Đông. Bà phấn khởi khi hệ thống điện chiếu sáng được phủ khắp cả buôn, cuộc sống người dân đang dần ấm no hơn, nhiều gia đình mua sắm các vật dụng hiện đại thiết yếu phục vụ sinh hoạt. Từ cuối năm 2023, các tuyến đường được bê tông hóa, thuận lợi đi lại, trao đổi hàng hoá, nhiều người đã đến các tỉnh, thành phố lớn làm công nhân tăng thu nhập cho gia đình. Các công trình phúc lợi phục vụ đời sống người dân đang dần được đầu tư khang trang.
Rời thôn Giang Đông khi sương lạnh bao phủ. Trời đã về đêm nhưng đèn điện trong những ngôi nhà sàn như những vì sao lấp lánh, thấp thoáng như những tín hiệu lành, sáng rỡ, bình yên...
Theo Trung tá Chu Tiến Thành, Phó trưởng Công an xã Ea Dăh, thôn Giang Đông trước đây được xem là địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy. Trước tình hình trên, lực lượng công an chính quy được điều động về xã đã phối hợp với Công an huyện Krông Năng tập trung vào cuộc đấu tranh, truy quét quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều đối tượng. Nhờ vậy, tệ nạn ma túy tại thôn Giang Đông nói riêng và xã Ea Dăh nói chung đã giảm sâu trong các năm gần đây.