Không dừng xuất khẩu cát, con cháu sẽ lên án

TP - Nếu không dừng xuất khẩu cát thì 20 đến 30 năm nữa, con cháu chắc sẽ lên án chúng ta, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên nói.
Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên

Ông Nguyên cho biết, Bộ TN-MT chỉ quản lý chung. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về công nghệ khai thác khoáng sản còn Bộ Xây dựng quản về khai thác, chế biến vật liệu xây dựng và làm xi măng. Địa phương thì quản lý vật liệu xây dựng thông thường (cát, đá, sỏi) và than bùn.

Tính từ 2005 đến nay, Bộ TN-MT cấp gần 100 giấy phép về thăm dò, 200 giấy phép khai thác mỏ, trong khi ở địa phương cấp hơn 4.000 giấy phép khai thác mỏ. Có một số địa phương cấp phép sai, Bộ đã đề nghị thu hồi giấy phép.

Về tình hình khai thác cát ở ĐBSCL, ông Nguyên cho biết, Bộ đã tiến hành tổng kiểm tra ở 10 tỉnh và thấy đây là vấn đề tương đối lớn. Trước chúng ta chỉ nghĩ hạt cát là vật liệu xây dựng thông thường và đã phân cấp cho địa phương. Những năm gần đây, việc khai thác cát xuất khẩu sang Singapore và một số nước lân cận rộ lên. 

Thống kê cho thấy, Việt Nam năm 2009 đã xuất khẩu nhiều gấp bảy lần so với năm 2007 với khối lượng xấp xỉ 10 triệu tấn. Gần đây, một số tỉnh cũng dự định ký hợp đồng xuất khẩu với khối lượng rất lớn, lên tới 80 triệu mét khối.

“Có tỉnh lấy lý do đây là nguồn thu rất lớn nên kiến nghị Bộ TN-MT, Chính phủ cho nạo vét sông ngòi, bến cảng để tận thu. Việc xuất khẩu cát rất nguy hiểm với Việt Nam, đặc biệt là khi nước biển dâng”- Ông Nguyên nói.

“Chính vì vậy, 20 đến 30 năm nữa, khi nhìn lại việc xuất khẩu cát hiện nay thì con cháu chắc sẽ lên án. Vì vậy Bộ đã kiến nghị Chính phủ ngừng xuất tất cả các hợp đồng đã ký từ trước đến nay”- Ông Nguyên nói.