‘Không có ban chỉ đạo chống tham nhũng nào giống như Bao Công’

'Không có một ban chỉ đạo nào có chức năng kiểu như Bao Công. Bởi nếu như thế thì sẽ giẫm đạp lên nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Đảng chỉ chỉ đạo về mặt đường lối, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện và giám sát'.

‘Không có ban chỉ đạo chống tham nhũng nào giống như Bao Công’

> 'Tôi tin đồng chí Nguyễn Bá Thanh'

> Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN gồm 16 thành viên

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - ông Nguyễn Đình Quyền.
 

Nguy cơ tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước nhìn nhận là nghiêm trọng. Nhưng không thể phủ nhận, sau bao năm chúng ta vẫn chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này?

Công cuộc phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và phúc đáp được lòng mong mỏi của nhân dân, cái này thì ai cũng rõ. Nguyên nhân thì rất nhiều: quy định pháp luật, cán bộ, đặc thù của hành vi tham nhũng…

Tham nhũng xảy ra trong bộ máy công quyền với những người có chức vụ quyền hạn, phát hiện là rất khó. Thủ đoạn che dấu của người vi phạm cũng rất tinh vi. Tư duy của người châu Á trong đấu tranh quyết liệt cũng khác với phương Tây…

Khi đăng đàn trên Quốc hội cũng như trao đổi riêng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi đã nêu rõ ý kiến: phải tính ngay phương án giải quyết chế độ công vụ và tiền lương. Đây là hai vấn đề cực kỳ quan trọng.

Nếu không tinh giảm bộ máy, có phương án tăng lương cho công chức, nếu chế độ quản lý công vụ còn lỏng lẻo, thiếu đôn đốc quản lý thì công cuộc phòng chống tham nhũng còn gian nan lắm.

Chúng ta đã thay đổi một số điều của Luật phòng chống tham nhũng, thay đổi mô hình của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng… Nhiều quyết sách đang được thực hiện và tôi tin là đang đi đúng hướng.

Công cuộc phòng chống tham nhũng còn dài và không thể nóng vội.

Luật Phòng chống tham nhũng đã ra đời gần 8 năm nay nhưng việc công khai, minh bạch tài sản của cán bộ công chức vẫn chưa được thực hiện một cách thực chất?

Kê khai tài sản là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ nhà nước. Nhưng nếu chúng ta cứ loay hoay đi kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thì không thể giải quyết được tận gốc vấn đề.

Nhà nước phải kiểm soát được tài sản thu nhập của toàn bộ các đối tượng trong xã hội. Nếu làm tốt khâu này thì sẽ chống được nạn trốn thuế, rửa tiền, cho vay nặng lãi, gian lận thương mại và tham nhũng. Có kiểm soát được tài sản của toàn dân thì mới kiểm soát được tài sản của công chức.

Nếu chỉ kiểm kê, công khai tài sản của công chức thì rất dễ “đánh bùn sang ao”. Vì tài sản đó có thể được người kê khai chuyển cho anh em, con cháu, bố mẹ đứng tên. Trong khi những người này lại không làm trong bộ máy nhà nước.

Nhưng chỉ với hơn 3 triệu công chức hiện nay, chúng ta còn loay hoay chưa kiểm soát chặt được thu nhập của họ?

Kiểm soát được tài sản thu nhập của công dân là công tác hệ trọng, rất khó nhưng phải làm. Muốn làm tốt việc này, cần những bước đi rất cụ thể. Nhiều nước đã làm rồi, mỗi công dân có trách nhiệm kê khai tài sản vào những “phom” sẵn, rất hiệu quả, mình chỉ học tập họ thôi chứ không phải phát minh, sáng chế gì.

Dĩ nhiên, việc công khai này phải có trình tự thủ tục, phải xác định, mở rộng đối tượng công khai như thế nào để chính sách đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thực tế.

Nghĩa là việc công khai phải có tác dụng để người dân, các tổ chức chính trị xã hội và phương tiện thông tin đại chúng có thể tiếp cận thông tin, từ đó phát hiện những hành vi sai trái, tham nhũng của người có trách nhiệm, quyền hạn.

Có nhiều ý kiến cho rằng, một trong những công cụ phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu là giám sát và phản biện xã hội. Việc này vốn là nhiệm vụ quan trọng của các đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, nhưng dường như vẫn còn “nói nhiều làm ít”?

Để làm tốt việc giám sát, phản biện cần nhiều yếu tố. Thứ nhất, phải nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ của từng đại biểu.

Nhưng quan trọng không kém, là họ phải có sự hậu thuẫn, cụ thể là từ ngay chính cơ quan Quốc hội, người dân và các cơ quan nhà nước. Các bộ ngành, địa phương hiện vẫn chưa thực sự cởi mở khi cung cấp thông tin cho các cơ quan Quốc hội. Đại biểu đi giám sát mà không có thông tin thì chẳng khác nào “cưỡi ngựa xem hoa”.

Để tăng cường hiệu lực giám sát, phải tăng cường trách nhiệm, chỉ rõ địa chỉ của từng cá nhân, từng tập thể chứ không kết luận chung chung. Nếu không sẽ chỉ như “đấm vào không khí'”. Để đảm bảo các điều kiện nêu trên, đòi hỏi mỗi đại biểu phải có trí tuệ, bản lĩnh, không ngại va chạm, không ngần ngại lo cho cái ghế của mình.

Nhiều thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là kiêm nhiệm. Nhiều ý kiến rằng, giống như rất nhiều cơ cấu kiêm nhiệm khác, cho dù là nằm bên bộ máy nhà nước, hay thuộc hệ thống của Đảng: càng kiêm nhiệm, trách nhiệm càng mờ nhạt?

Cần có cái nhìn thông suốt khi bàn về cách thức tổ chức Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng: Đảng lãnh đạo nhà nước nhưng Đảng không làm thay cơ quan nhà nước hay các cơ quan tư pháp.

Không có một ban chỉ đạo nào lại có chức năng kiểu như Bao Công. Bởi nếu có một ban chỉ đạo như thế thì sẽ giẫm đạp lên nhiệm vụ của các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước.

Đảng chỉ chỉ đạo về mặt đường lối, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện và giám sát. Kể cả Ban chỉ đạo thời gian trước đây cũng như hiện nay, không thể can thiệp trực tiếp vào từng vụ án cụ thể. Đó là nhiệm vụ của các cơ quan tố tụng, thanh tra.

Do đó, thành viên đương nhiên là phải kiêm nhiệm chứ không thể chuyên trách. Và có kiêm nhiệm thì mới có thể chỉ đạo về mặt đường lối, phát huy hết trách nhiệm, sức mạnh của bộ máy nhà nước đồng thời phát huy hết hiệu lực chỉ đạo của Đảng.

Còn trùng lặp, không rõ trách nhiệm thì chỉ làm suy giảm hiệu quả, sức mạnh của bộ máy quản lý nhà nước.

Theo Phúc Hưng
Dân Trí

Theo Đăng lại