'Không chờ những giấc mơ'

TP - Qua tia nhìn bóc vỏ, mỗi ngày, như một trầm tích, Bùi Phan Thảo triển lãm ít nhiều tư duy trăn trở của mình, thẩm thấu những phận đời khốn khổ.

Tôi biết anh Bùi Phan Thảo từ nhiều năm trước. Câu chuyện phía sau những giờ phút của công việc tại tòa soạn một tờ báo ở TPHCM, là những buổi chiều nắng trải vàng trên hàng cây sấu ở quận 3. Bên ly cà phê, lúc này Bùi Phan Thảo thường không nói chuyện báo chí nữa mà bàn về văn chương, âm nhạc, hoặc ôm cây đàn guitar một cách say mê.

Sau tập thơ “Lao xao hồn phố” (2015) mới đây, Bùi Phan Thảo giới thiệu đến mọi người tập thơ “Không chờ những giấc mơ” (2017), vẫn nối mạch thơ cởi mở, phóng khoáng và táo bạo trong ngôn ngữ. Sự phóng khoáng trong nhịp điệu, câu từ của thơ Bùi Phan Thảo tạo nên những câu thơ lạ như: Guitar/vòng eo giai nhân/hơi thở ngực trầm/thanh âm/vọng đời người thăm thẳm”  (Guitar 1).

 Đọc thơ Bùi Phan Thảo, có khi cảm giác như cuộc sống ngày thường ùa vào thơ, nhưng đó là một cuộc sống lãng mạn, thi vị bên cạnh cuộc đời ồn ào náo nhiệt nhưng cũng thực dụng ngoài kia. Niềm say mê đối với âm nhạc của anh thể hiện trong chùm 6 bài thơ anh viết về guitar, vốn mệnh danh “lục huyền cầm” và anh đánh số từ 1-6 trong tập “Không chờ những giấc mơ” vừa xuất bản. Chùm thơ này anh viết tặng một nghệ sĩ tài danh hàng đầu trong giới guitar cổ điển, một người anh, người bạn thân thiết của anh.

Đôi khi như vô ngôn/chỉ mười ngón tay/và một nỗi buồn/ lưu cữu/20 năm/60 năm/ngàn năm  (Guitar 3).

Nhà thơ Bùi Phan Thảo.

Thơ Bùi Phan Thảo giàu nhạc tính và cũng giàu xúc cảm tự nhiên. Hai bài trong hai tập thơ của Bùi Phan Thảo đã được phổ nhạc. Bài “Một đóa phù dung” được nhạc sĩ Nguyễn Thanh Bình phổ nhạc và lấy làm tựa đề CD cá nhân của nhạc sĩ Nguyễn Thanh Bình. Bài “Khi nào gió lên” được nhạc sĩ trẻ Đức Tiến phổ nhạc và cũng lấy tên bài làm tên đĩa CD cá nhân của Đức Tiến!

Có lẽ với một nhà thơ bình thường, việc in thơ không có gì quá đặc biệt nếu không nói là chuyện đương nhiên, nhưng với một nhà báo bộn bề công việc, việc 2 năm ra mắt 2 tập thơ quả là điều hiếm trong làng báo. Anh nói: “Văn chương là cuộc đời, mình tranh thủ viết bất kỳ lúc nào có thời gian rảnh rỗi”. Hiện Bùi Phan Thảo đang chuẩn bị in một tập truyện ngắn nhan đề: “Búp bê áo rách”, tập bút ký “Hoàng hôn Angkor Wat”, tiểu thuyết “Giọt máu ly hương”, bản thảo thơ “Này vui, tặng hết”…

Có lẽ lo sợ thời gian nghiệt ngã, ám ảnh về sự lãng phí thời gian, lãng phí những điều tâm huyết đã khiến Bùi Phan Thảo say mê làm việc và viết lách. Anh nói: “Mình có nhiều người bạn giỏi văn chương, yêu thích văn chương, học trường viết văn, thậm chí rất nổi tiếng… nhưng điểm chung của nhiều bạn bè là khi vào nghề báo, bị cuộc sống báo chí cuốn đi, dần dần rời ngòi bút văn chương. Dĩ nhiên không nên đổ lỗi cho việc làm báo sẽ giết chết văn chương, đó là họ tự mình quên đi công việc viết văn thôi. Tại sao không xem làm báo như một thế mạnh giúp công việc viết văn tốt hơn?”.

Tôi nhận ra điều tâm huyết đó của Bùi Phan Thảo, khi đọc bài thơ “Con ruồi” trong tập “Không chờ những giấc mơ”, có những câu: Con ruồi vô danh/ bỗng chốc thành sao/Nhờ có báo đăng/ người ta mới nhớ ra / ruồi có sáu chân.

Bài thơ xuất phát từ những vụ án kiện tụng quanh chuyện con ruồi xuất hiện trong chai nước ngọt. Nhà thơ nói: “Một sự kiện trên báo chí, nhưng làm con người văn chương trong mình cảm thấy phải ngồi vào bàn viết”. Tác giả thấy thế sự đảo điên từ một con ruồi:

Ghét kẻ giàu chơi ác/ghét kẻ ngu chơi xấu/kẻ này lao lý/người kia cũng xuống dốc không phanh.

Sau mỗi ngày làm báo căng thẳng, mệt nhoài, đọng lại trong tâm hồn người viết là những trăn trở, những câu chữ thành hình. Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa viết về thơ Bùi Phan Thảo: “Qua tia nhìn bóc vỏ, mỗi ngày, như một trầm tích, Thảo triển lãm ít nhiều tư duy trăn trở của mình trong tập thơ “Không chờ những giấc mơ”. Nỗi lo âu trong đời sống đương đại, anh bất lực khi muốn choàng tay ôm lấy nỗi đau người khác. Thảo đã thẩm thấu những phận đời khốn khổ…”.

Bùi Phan Thảo viết những câu phê phán thứ ngôn ngữ sáo rỗng và vô nghĩa, như mong đợi những tiếng nói chân phương và thiết thực mỗi ngày:

Những ngôn từ hay ho/lâu lâu đem ra ngắm nghía/nhai như miếng swing – gum/nhạt nhẽo tuôn ra những thứ sáo mòn/sắm vai diễn cả đời chỉ bấy nhiêu lời thoại/lộng giả thành chân  (Thơ của con cừu).

 Là một nhà báo và một nhà thơ, nhà văn, Bùi Phan Thảo hướng đến thứ ngôn ngữ gần gũi với đời sống, tránh xa ngôn từ sáo rỗng. Anh làm thơ như thể để tìm lại chính bản thân mình, để hướng đến những gì chân thực của con người. Những con chữ chở tâm tư nặng nhọc/ thôi giữ riêng mình sợ nắng mưa phai  (Xóa).

Nhà báo, nhà thơ Bùi Phan Thảo quê gốc ở Quảng Trị, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Có thể nói anh là một người đa tài vì ngoài những bài báo hay để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc, anh viết nhiều thể loại văn chương. Song tác giả tâm sự vẫn chọn cho mình một cuộc sống bình yên, giản dị, chỉ mong muốn viết được những tác phẩm mình ấp ủ, viết cho gia đình, người thân.

Những khi rảnh rỗi, anh ngồi quán cà phê hay ghé nhà bạn bè, cùng đánh đàn, nghe bạn bè ca sĩ hát những ca khúc ưa thích. Những lúc này, Bùi Phan Thảo thấm thía tình cảm bạn bè văn nghệ trong dòng chảy đời sống miệt mài, vẫn giữ được tình bạn ấm áp dù đời nhiều va đập: ba mươi năm bè bạn tình thâm/ mới ôm đàn bữa đó đầu xanh/ bến vắng tiếng cười vang vọng/ về trong chiều ngả bóng/ tìm nhau… (Guitar 5)

Ngôn ngữ trữ tình rất riêng

Nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu: “Dường như đi vào con đường thơ, Bùi Phan Thảo đã hướng tìm một thứ chân chất của thơ. Là bao dung. Bao dung thơ là không cô lập thơ. Thơ là tiếng nói đan xen trong mạng lưới của đời sống”.

Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Bình: “Bùi Phan Thảo lặng lẽ chọn cho mình một “khoảng lặng”, không phải để “nhìn ngắm”đời sống, mà để âm thầm viết những dòng thơ nghiệm sinh trữ tình như một hành động tinh lọc tâm hồn mình; tự giải phóng mình ra khỏi những thói quen, những cám cảnh của cuộc ngày, để tự trả lời cho mình nhiều câu hỏi riết róng được diễn đạt bằng một ngôn ngữ trữ tình rất riêng”.