Sáng sớm, hơn 60 hộ dân Làng Vân tập trung tại phòng cộng đồng trong khu nhà liền kề.
Bà Nguyễn Thị Chim (48 tuổi, nhà F5) kiến nghị: Vấn đề lo nhất là khu ở mới không được hỗ trợ điện nước sinh hoạt như chỗ cũ, trong khi các khoản trợ cấp như nhau khiến đời sống bà con thêm khó khăn.
Đợt di dân vào đất liền trùng với thời điểm hàng loạt mặt hàng thiết yếu tăng giá mạnh làm người dân Làng Vân bất ngờ trước “bão giá”.
Giải đáp thắc mắc này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh: Đưa dân Làng Vân vào trong đất liền là chủ trương đúng đắn bởi đó làđ tương lai của con cháu Làng Vân.
Ban đầu, người dân có thể còn chưa quen nhưng dần dà sẽ cảm nhận sự khác biệt về điều kiện sống giữa đất liền và “ốc đảo” trước đây.
Thành phố sẽ tăng mức trợ cấp từ 410.000 đồng/tháng/người (từng mắc bệnh phong) lên thành 610.000 đồng, hỗ trợ các hộ dân nhà liền kề bước đầu ổn định cuộc sống, trang trải sinh hoạt hằng ngày.
Vấn đề việc làm cho người dân, ông Thanh trực tiếp chỉ đạo quận Liên Chiểu “ngồi lại” với Sở LĐ-TB&XH để thống kê cụ thể nhu cầu việc làm của từng người và tháo gỡ cho các hộ dân, tập trung cho những người trong độ tuổi lao động, còn đủ điều kiện sức khỏe.
“Tôi nói là làm, không có chuyện bỏ rơi ! Ở nơi ở cũ nếu gặp khó khăn quá, đôi khi chính quyền với không tới, nhưng ở đây thì chắc chắn được hỗ trợ. Giàu sang chưa nói nhưng để dân Làng Vân vào nơi ở mới phải sống mức nghèo khổ thì không bao giờ”.
Ông Thanh cho rằng: Cùng với thành phố, các tổ chức xã hội tiếp tục quan tâm, chia sẻ với cư dân Làng Vân trong đất liền. Dần dần đây sẽ là địa chỉ từ thiện, thăm hỏi nên phải cử ra ban đón tiếp. Người Làng Vân nên hòa đồng với mọi người xung quanh, bỏ tâm lý tự ti, mặc cảm. Cư dân đất liền cũng không còn ghét bỏ, kỳ thị, xa lánh như trước đây…
Cũng trong buổi gặp gỡ, lãnh đạo thành phố đã tặng quà cho 2 gia đình chính sách là Mẹ VNAH Nguyễn Thị Xuân và ông Nguyễn Văn Xứng, gia đình có công với cách mạng; trao 64 suất quà (500 ngàn đồng/ suất) cho các hộ dân.