Ngày càng có nhiều người mắc bệnh túi phình với diễn tiến âm thầm, khó phát hiện, tỉ lệ tử vong cao. Chỉ riêng bệnh phình động mạch chủ bụng đã đứng hàng thứ 10 trong số các nguyên nhân gây tử vong ở nam giới.
Già trẻ đều mắc
Trường hợp mới nhất vừa được Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM tiếp nhận là bệnh nhân P.V.N.A (18 tuổi; ngụ huyện Cần Giờ, TP HCM), bị u sợi thần kinh hiếm gặp. A. đến khám bệnh vì có cảm giác khó nuốt, khó thở khi nằm. Tình trạng này kéo dài gần 1 tháng và bệnh nhân đã đi khám ở nhiều nơi nhưng không tìm ra bệnh.
Một ca can thiệp phình động mạch chủ bụng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
Tại BV Đại học Y Dược, qua thăm khám, xét nghiệm, chụp CT scan, các bác sĩ phát hiện A. có khối u lớn ở vùng trung thất gây chèn ép đường ăn và đường thở, bao quanh các mạch máu lớn vùng trung thất và dính với thực quản. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật. Ca mổ kéo dài hơn 3 giờ, ê kíp phẫu thuật liên khoa (gồm lồng ngực, tim mạch và tiêu hóa) đã bóc toàn bộ khối u nặng 2 kg, giải quyết tình trạng chèn ép cho bệnh nhân.
ThS-BS Lê Phi Long, Khoa Lồng ngực - Mạch máu BV Đại học Y Dược, cho biết thông thường, u sợi thần kinh là loại u có thể gặp ở vùng trung thất sau nhưng ít khi gây chèn ép do có kích thước nhỏ. Tuy nhiên, đây là trường hợp phức tạp hiếm gặp khi khối u có kích thước rất lớn từ vùng cổ chui vào khoang lồng ngực, dính thực quản, khí quản và các mạch máu lớn.
Một trường hợp khác bị phình động mạch chủ bụng suýt vỡ được cứu sống là ông V.H.T (80 tuổi, quê TP Huế). Ông T. bị cao huyết áp, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Khi ông đi khám, các bác sĩ bất ngờ phát hiện một khối u trên vùng bụng gần rốn. Trước nguy cơ vỡ túi phình, các bác sĩ can thiệp bằng cách đặt giá đỡ nội mạch qua da, cứu được bệnh nhân trong gang tấc.
Theo TS-BS Trần Minh Hoàng, Phó Đơn vị Phẫu thuật mạch máu BV Đại học Y Dược, phình động mạch chủ bụng là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh này đứng hàng thứ 10 trong số các nguyên nhân gây tử vong hằng năm ở nam giới trên 55 tuổi. “Khoảng 80% thường không có triệu chứng và nguy cơ vỡ cao nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Người trên 55 tuổi có kèm các dấu hiệu về bệnh tim mạch nên được siêu âm mạch máu để tầm soát và phát hiện bệnh sớm” - BS Hoàng khuyến cáo.
Ngàn cân treo sợi tóc
Giới chuyên môn cho biết ngày càng có nhiều người mắc bệnh túi phình với diễn tiến âm thầm rất nguy hiểm. Nếu như các túi phình trong cơ thể ở lồng ngực, bụng... được bác sĩ tình cờ phát hiện khi khám bệnh thì túi phình xuất hiện trong đầu càng nguy hiểm hơn vì khó phát hiện.
BV Nhân dân 115 TP HCM đã cứu nhiều bệnh nhân phình mạch máu não suýt vỡ và trường hợp nguy kịch gần nhất là bà V.T.V (62 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai). Bà V. nhập viện trong tình trạng đau đầu dữ dội, huyết áp cao. Qua chụp cắt lớp, các bác sĩ phát hiện túi phình khổng lồ “án ngữ” ngay động mạch cảnh não trái và lập tức can thiệp, cứu sống bệnh nhân trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”.
Theo BS Trần Thanh Vũ, Khoa Chẩn đoán hình ảnh BV Nhân dân 115, phương pháp kinh điển xử trí đối với các trường hợp này có tỉ lệ tái phát cao. Tuy nhiên, kỹ thuật mới hiện nay (đặt stent thay đổi dòng chảy qua túi phình) không chỉ cứu sống người bệnh mà còn hạn chế thấp nhất những hậu quả do nó gây ra.
Các trường hợp rất dễ mắc phình mạch chủ bụng là nam giới trên 55 tuổi, hút thuốc lá, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, các bệnh mạch máu khác, tiền sử gia đình có người mắc bệnh phình động mạch chủ. Có 2 phương pháp xử lý nguy cơ vỡ túi phình là can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật mở. Điều trị đặt giá đỡ nội mạch qua da là phương pháp mới, hiệu quả, ít xâm lấn.
Các chuyên gia lưu ý cách phòng bệnh phình động mạch chủ tốt nhất hiện nay vẫn là duy trì chế độ ăn uống thích hợp, hạn chế sử dụng các loại mỡ động vật, nên ăn nhiều rau quả tươi, vận động thường xuyên, không hút thuốc lá... Những bệnh nhân đã được chẩn đoán bị phình động mạch chủ bụng nên phẫu thuật sớm. Khi chưa có điều kiện mổ, phải thường xuyên theo dõi để tránh tình trạng vỡ túi phình. Trong trường hợp túi phình bị vỡ, việc chỉ định mổ cấp cứu là bắt buộc.
Tỉ lệ tử vong 85%
Phình động mạch chủ bụng là một trong những bệnh lý gây tử vong cao trên thế giới. Bệnh tiến triển trong nhiều năm cùng với quá trình xơ vữa động mạch. Một trong các biến chứng nguy hiểm của phình động mạch chủ là vỡ túi phình, với tỉ lệ tử vong lên đến 85%. Tại Mỹ, hằng năm có khoảng 15.000 người chết vì phình động mạch chủ bụng; tần suất mắc bệnh ở nam giới gấp 4 lần nữ giới. Do tiến triển thầm lặng, phình động mạch chủ thường không có các triệu chứng điển hình, cho đến khi khối phình to lên và biểu hiện bằng triệu chứng dọa vỡ.