Khởi tố 13 bị can tại một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội

TPO - 13 bị can là lãnh đạo, nhân viên tại Trung tâm đăng kiểm 29-01V bị Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) khởi tố điều tra về hành vi nhận hối lộ. 

Trung tâm đăng kiểm 29-01V.

Ngày 31/1, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 13 bị can là cán bộ Trung tâm đăng kiểm 29-01V để điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Các bị can gồm: Lê Văn Ngân (SN 1969, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) - Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29-01V; Tăng Xuân Huy (SN 1974, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Vũ Mạnh Hiền (SN 1977, trú tại Lê Chân, Hải Phòng), cùng là Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29-01V.

Ngoài ra, 10 bị can khác cũng bị khởi tố là đăng kiểm viên của trung tâm gồm: Trịnh Quang Lê (SN 1985, trú tại Gia Lâm, Hà Nội), Lê Quang Linh (SN 1980) và Trần Nam Thành (SN 1970, cùng ở Đống Đa, Hà Nội), Vũ Ngọc Thắng (SN 1984, trú tại Hà Đông (Hà Nội), Nguyễn Văn Cảnh (SN 1986) và Đặng Hồng Minh (SN 1985, cùng trú Nam Từ Liêm, Hà Nội), Hoàng Phúc Thọ (SN 1990) và Ngô Thế Lực (SN 1986, cùng trú Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Quang Hùng (SN 1991), Dương Đức Minh (SN 1982, cùng ở Thanh Trì, Hà Nội).

Hai bị can Huy- Ngân.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, để không bị làm khó trong khi đăng kiểm, các chủ xe thường để từ 100 - 200 nghìn đồng trên ghế, taplo, cần số. Nếu chủ xe không thực hiện thì khi trả xe, Linh, Lê và Thọ sẽ chủ động yêu cầu họ đưa tiền.

Nếu trong quá trình kiểm tra xe, đăng kiểm viên phát hiện lỗi kỹ thuật của xe như biển số mờ, màu sơn khác với đăng ký, lốp mòn... sẽ ghi lỗi ra giấy để trên xe. Sau đó Linh, Lê, Thọ thông báo cho chủ phương tiện biết các lỗi kỹ thuật, đồng thời yêu cầu đưa thêm tiền ngoài chi phí đăng kiểm theo quy định nếu muốn được cấp kiểm định.

Công thức ăn chia "5-4-3-1"

Lúc này, các đối tượng hướng dẫn chủ xe quay lại xếp hàng kiểm tra hoặc đánh giá xe đủ điều kiện an toàn để cấp giấy chứng nhận kiểm định. Số tiền để được bỏ qua lỗi dao động từ 100.000 - 400.000 đồng tùy từng lỗi vi phạm.

Trong trường hợp chủ phương tiện không đưa tiền thì họ phải đưa phương tiện về sửa chữa, khi nào đạt yêu cầu thì quay lại đăng kiểm.

Các đăng kiểm viên khai nhận họ bỏ qua lỗi kỹ thuật của xe khi kiểm định trong các công đoạn kiểm tra thủ công bằng tay, mắt và không can thiệp vào hệ thống máy kiểm tra chỉnh sửa kết quả. Việc đăng kiểm viên tại Trung tâm 29-01V không thực hiện đúng quy trình đăng kiểm, nhận tiền để bỏ qua lỗi kỹ thuật phát hiện khi kiểm định xe đã diễn ra từ lâu và lãnh đạo trung tâm đều biết.

Cuối ngày Lê, Thọ và Linh tập hợp tiền thu của chủ xe chia cho ban giám đốc, cán bộ, nhân viên của trung tâm theo tỷ lệ 20% tổng số tiền đưa Lê Văn Ngân làm chi phí “đối ngoại”; 1 triệu đồng đưa vào quỹ dùng cho các công việc của đơn vị…Số tiền còn lại được chia thành 51 phần bằng nhau, trong đó, giám đốc nhận 5 phần/người; phó giám đốc nhận 4 phần/người; đăng kiểm viên nhận 3 phần/người, nhân viên văn phòng, kế toán và bảo vệ nhận 1 phần/ người.

Theo tài liệu điều tra, Trung tâm đăng kiểm 29-01V làm việc 5 ngày/tuần với khoảng 60 - 70 phương tiện/ngày. Trung bình mỗi ngày các đối tượng thu lợi bất chính khoảng từ 6 - 8 triệu đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, ở Hà Nội cơ quan điều tra đã khởi tố 5 vụ, 23 bị can là chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc, phó giám đốc, đăng kiểm viên và nhân viên tại 11 trung tâm đăng kiểm gồm: 2901V, 2906V, 3301S, 3302S, 2903S, 2914D, 2918D, 2923D, 2929D, 2901S, 2915D.