Khối tài sản lớn của Kim Dung đến từ những nguồn nào?

TPO - Bên cạnh những di sản văn hóa vô giá, Kim Dung được cho là tích cóp được khối tài sản khổng lồ trong suốt 94 năm cuộc đời.
Thành công trong sự nghiệp văn chương và báo chí giúp Kim Dung sở hữu khối tài sản khổng lồ.

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có thống kê cụ thể nào về tài sản mà Kim Dung để laị sau khi qua đời ở tuổi 94 vào hôm 30/10. Tuy nhiên, theo các phân tích và đánh giá, đây là một con số không hề nhỏ.

Từ lâu, Kim Dung luôn được xếp ở top đầu những nhà văn có ảnh hưởng nhất đối với Văn học hiện đại Trung Quốc. Tiểu thuyết võ hiệp của ông nổi tiếng không chỉ trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc, mà còn lan ra toàn cầu. Không chỉ nhà văn, ông còn là người sáng lập của tờ nhật báo Hong Kong Minh Báo, với lượng độc giả ổn định suốt nhiều thập kỷ qua.

Bên cạnh những di sản văn hóa vô giá, thành công trong sự nghiệp văn chương, báo chí còn mang lại cho ông khối tài sản vật chất khổng lồ.

Năm 1959, Kim Dung cùng người vợ thứ 2 Chu Mai sáng lập Minh Báo với chỉ 100.000 đô la Hong Kong (HKD, gần 300 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại), trong đó Kim Dung đóng góp 80.000 HKD.

Trải qua rất nhiều khó khăn, năm 1991, Minh Báo lên sàn chứng khoán, được định giá 870 triệu HKD (hơn 2.500 tỷ đồng), và 60% cổ phần thuộc về Kim Dung.

Năm 1992, Kim Dung quyết định bán lại Minh Báo, chuyển nhượng cổ phiếu cho doanh nhân trẻ Yu Pinhai. Theo thống kê của một tạp chí vào năm này, Kim Dung sở hữu khối tài sản khối 1,2 tỷ HKD, xếp thứ 64 danh sách người giàu nhất Hong Kong.

Rời khỏi Minh Báo, ông không sáng tác nữa, mà tập trung vào công việc sửa chữa lại các cuốn tiểu thuyết của mình. Dù vậy, ông vẫn có những khoản thu tác quyền lớn. Đến nay, ước tính tiểu thuyết của ông đã tái bản nhiều lần, với 300 triệu bản in (không tính đến lượng lớn bản lậu) tại Trung Hoa đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, châu Á và đã được dịch ra các thứ tiếng Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia.

Chỉ riêng bản quyền xuất bản sách ở Trung Quốc, nhà văn thu về 3,5 triệu nhân dân tệ (CNY, khoảng 11,7 tỷ đồng) vào năm 2010, 2,2 triệu CNY vào năm 2011 và 8,5 triệu CNY vào năm 2015.

Ngoài ra, nhà văn Kim Dung còn có nguồn thu lớn từ việc tác phẩm được chuyển thể thành phim và game. Đến nay, các tác phẩm của ông vẫn được các nhà sản xuất phim lựa chọn đưa lên màn ảnh. Hầu như mỗi năm đều có tác phẩm của ông được chuyển thể. Năm nay, “Thần điêu đại hiệp” và “Ỷ thiên đồ long ký” đã khởi quay và dự kiến lên sóng trong thời gian tới.

Theo một luật sư ở lĩnh vực sở hữu trí tuệ, với sức ảnh hưởng của Kim Dung, cùng với giá cả thị trường, tiền tác quyền được trả cho trò chơi điện tử chuyển thể từ “Thiên long bát bộ” có thể vượt quá 100 triệu CNY.

Ngoài ra, ông còn có những khoản thu... không mong đợi. Hồi tháng 8 vừa qua, tòa án yêu cầu tác giả Giang Nam của Trung Quốc bồi thường cho Kim Dung 1,88 triệu CNY (khoảng 6,3 tỷ đồng), vì đặt tên cho các nhân vật trong sáng tác là Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Kiều Phong...

Chưa hết, Kim Dung và vợ cũng khá “mát tay” trong đầu tư bất động sản. Năm 2007, Kim Dung mua bất động sản ở Hong Kong với giá 5,58 triệu HKD, đến nay giá thị trường đã tăng lên gần 12 triệu HKD. Còn bà Lâm Nhạc Di, vợ của Kim Dung, là chủ của nhiều bất động sản với tổng trị giá hơn 600 triệu HKD.

Theo Tổng hợp