Bản quy hoạch điều chỉnh quận 8 (TPHCM) đến năm 2020, mới được phê duyệt, xác định: sẽ khôi phục cảnh quan sông nước truyền thống tại các trục đường Bến Ba Đình, Bến Bình Đông, Bến Mễ Cốc, đồng thời, hình thành các tuyến giao thông thủy trên các trục đường này.
Một thời sầm uất
Xưa kia, khu vực bến Bình Đông, theo sử sách, là nơi “trên bến dưới thuyền, phố xá phồn thịnh, buôn bán tấp nập”. Người ta kể rằng, đây là nơi giao thương của miền Tây và miền Đông của Nam bộ Việt Nam. Bà con thương lái ĐBSCL mang nông sản lên Sài Gòn bán, rồi nhập về những đồ gia dụng, đi phân phối khắp miền Tây.
Dọc theo kênh Tàu Hủ, kéo dài từ bến Hàm Tử, Trần Văn Kiểu đến rạch Lò Gốm, hàng dãy nhà của Hoa kiều mọc lên san sát. Trước năm 1975, bên kia kênh Tàu Hủ là bến Lê Quang Liêm. Dãy nhà của người Hoa được xây từ đầu thế kỷ 20 vẫn là nét đặc trưng của nơi này. Mỗi căn nhà liền kề ấy có bề ngang hơn 10m, gồm ba gian. Tầng trệt làm nơi giao dịch, buôn bán, tầng lầu là nơi ở của chủ nhân.
Phía sau các căn nhà là dãy nhà kho sâu cả trăm mét, chứa hàng hóa, lúa gạo. Quang cảnh buôn bán tấp nập ấy tạo ra một thứ hương vị Sài Gòn không thể lẫn đi đâu được.
Sau năm 1975, bến Lê Quang Liêm đổi tên thành bến Trần Văn Kiểu và ngày nay con đường đã được mở rộng thành đại lộ Đông- Tây. Khi xây dựng đại lộ, người ta đã phá bỏ dãy nhà cổ đã tồn tại hàng trăm năm bên dòng kênh Tàu Hủ. Không ít người đã tỏ ra xót xa khi những công trình mang lại những nét bản sắc, in đậm trong hoài niệm của người yêu Sài Gòn xưa ấy, bỗng chốc tiêu tan.
Thậm chí, đã có lúc, để “bảo tồn” đại lộ Đông Tây, giới chức địa phương quyết định “bế quan” đối với thuyền ghe của thương lái các nơi đổ về bến Bình Đông buôn bán.
Nhớ một cái Tết gần đây, hàng trăm ghe thuyền chở hoa, cây kiểng từ miền Tây lên TPHCM phải khóc ròng với lệnh cấm bất thình lình được ban ra: “Không mua bán, lên xuống hàng hóa tại khu vực kênh Tàu Hủ”. Mai, cây kiểng héo queo như khuôn mặt của bà con thương lái.
Cơ hội cho du lịch thành phố
Thời gian gần đây, hoạt động buôn bán của bến Bình Đông, kênh Tàu Hủ đã dần được khôi phục. Hoa kiểng hai năm nay đã có dịp khoe mình hết cỡ nơi bến Bình Đông mỗi dịp tết đến, xuân về.
Thực ra, công cuộc nạo vét, làm sạch kênh Tàu Hủ- Lò Gốm và một loạt các kênh khác của TPHCM được khởi động từ năm 2001 đến nay với kinh phí lên đến trên 12.000 tỷ đồng.
Để khôi phục cảnh quan “trên bến dưới thuyền” và phát triển khu vực này, TPHCM đã xác định kênh Tàu Hủ- kênh Đôi sẽ là trục cảnh quan của quận 8. Đó là hai tuyến đường Nguyễn Duy, đường Phạm Thế Hiển và đường Bến Bình Đông dọc kênh Tàu Hủ.
Đây là những khu vực có khoảng không gian cây xanh ven kênh. Khi giải tỏa nhà lấn chiếm, có thể bố trí các khu công viên với tượng đài, tiểu cảnh … Cùng đó, thành phố sẽ đầu tư phát triển hệ thống giao thông thủy, xây dựng hệ thống bến bãi…
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nguồn nước các kênh nói trên vẫn chưa được khắc phục triệt để. Anh Lê Quốc Hùng, quê Tiền Giang, một thương lái gắn bó với khu vực kênh Tàu Hủ hàng chục năm, nói: Mỗi khi trời nắng, dòng nước vẫn bốc mùi hôi khá trầm trọng. Khi chiều đến, tình hình đỡ hơn nhưng mùi khó chịu vẫn thoang thoảng.
Các chuyên gia của ngành du lịch thành phố từng nói, nếu khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm kênh Tàu Hủ, tổ chức lại bến bãi, hệ thống giao thông thủy thì tuyến kênh Tàu Hủ- Bến Nghé có thể trở thành con gà đẻ trứng vàng cho du lịch TPHCM.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, tổng giám đốc Saigontourist cho rằng, một trong những điểm nhấn của du lịch sông nước Sài Gòn chính là tuyến Tàu Hủ- Bến Nghé. Theo ông Thọ, khu vực này còn tập trung nhiều nhà cổ, nếu giải quyết tốt nguồn nước thì “khá lý tưởng để tái hiện hình ảnh Sài Gòn- Gia Định, trên bến dưới thuyền thời xa xưa của ông cha”. Tuyến Tàu Hủ- Bến Nghé còn rất phù hợp với những “tour thăm thành phố trên sông”.