Chia sẻ về dự án có tên Dynapath, Sinh viên Trần Đình Lê Hoàng - trưởng nhóm, cho biết sản phẩm được thiết kế hướng đến mục tiêu chính là khắc phục vấn đề về việc sử dụng và tái chế rác thải nhựa. Đây vốn luôn là vấn đề nhức nhối khi chúng ta chưa tìm ra những giải pháp đột phá thay thế. Bởi vậy, trong ý tưởng khởi nghiệp lần này, nhóm đã thiết kế và sử dụng loại nhựa tái chế chính là HDPE và LDPE được thu thập tại các khách sạn và từ một số nguồn khác.
Cụ thể, nguồn nguyên liệu này đã được tận dụng cùng một số vật liệu khác, trải qua nhiều lần thử nghiệm mới có thể tạo ra loại gạch tái chế hiện có. Đây cũng là tiêu chí của phát triển bền vững khi việc tái sử dụng nhựa sản xuất gạch đảm bảo được các quy tắc của mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo anh Hoàng, dù được làm từ nhựa tái chế nhưng gạch Dynapath có độ bền và tính linh hoạt cao. Sau nhiều thử nghiệm, độ bền của sản phẩm này có thể chịu được lực tối đa của khoảng 250 người trong các điều kiện thời tiết khác nhau, ngay cả khi tiếp xúc với nước và tia UV.
Dự án đã đoạt giải "Tác động bền vững nhất" tại cuộc thi "Thử thách bền vững ngành dịch vụ khách sạn" do Hotelschool The Hague tổ chức tại Dubai hồi tháng 10-2024. Nhóm sinh viên kỳ vọng sản phẩm đầu tay của mình sẽ cùng nhắc nhớ rằng đôi khi chỉ cần một hành động bình thường hằng ngày, mỗi người cũng có thể đang góp phần vào giải pháp năng lượng bền vững.
Biến rác thải thành... điện
Trong suốt quá trình thực hiện dự án, điều khiến cả nhóm thấy hài lòng và tự hào chính là sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của từng thành viên trong nhóm, đặc biệt là ý thức hành động về môi trường.
Để có được thành quả như hiện tại, các thành viên đã từng có nhiều ý tưởng, đề xuất khác nhau song cuối cùng nhóm bạn trẻ đã thống nhất chọn thực hiện gạch tái chế Dynapath vì cùng ước mong thúc đẩy phát triển bền vững với dự án gạch tạo ra điện sạch.
Chia sẻ về khó khăn khi thực hiện ý tưởng, Hoàng cho hay: "Chẳng hạn việc quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu có sẵn nên khó chủ động được tiến độ sản xuất hay việc tiếp xúc và sử dụng máy móc với các thành viên đều còn khá mới mẻ là một vài trong nhiều điều nhóm cần phải cải thiện hơn khi theo đuổi dự án này sắp tới".
Thực tế, việc sản xuất gạch tái chế từ việc tận dụng nguồn vật liệu nhựa thực ra không mới. Điều khác biệt và có phần mới mẻ ở dự án này chính là sản phẩm gạch Dynapath có thể tạo ra điện khi có lực tác động vào. Nói cách khác, với việc tìm tòi nghiên cứu và sáng tạo của nhóm, loại gạch tái chế này có thể sản sinh ra điện qua mỗi bước chân bước qua.
Để làm được điều đó, cấu tạo bên trong viên gạch mới là điểm mấu chốt tạo nên sự độc đáo và thân thiện với môi trường. Mỗi viên gạch gồm nhiều lớp mà một trong những lớp này được làm bằng vật liệu piezo là vật liệu có thể tạo ra dòng điện khi có lực tác dụng vào. Nên mỗi khi có người đi trên gạch tương ứng với lực tác động lên sẽ giúp điện được tạo ra và lưu trữ.
Nhóm bạn trẻ kỳ vọng khi loại gạch này được dùng phổ biến hơn, nhất là khi được lát ở khu vực có lưu lượng đi lại nhiều như sảnh và lối vào, lượng điện sinh ra có thể bù đắp một phần đáng kể chi phí chiếu sáng vốn chiếm tỉ lệ khá cao của các khách sạn.
"Qua dự án mong là nhiều người nhận ra rằng tiềm năng sáng tạo còn rất lớn và người trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể chia sẻ, cùng giải quyết vấn đề toàn cầu nếu có cơ hội đủ lớn. Chúng mình cũng muốn lan tỏa tư duy về lối sống bền vững, ý thức bảo vệ môi trường trong giới trẻ bắt đầu từ mỗi hành động nhỏ nhất", Hoàng chia sẻ.
Dự án đang nỗ lực giúp giảm chi phí điện và lượng carbon thải ra so với việc dùng điện truyền thống nhờ khai thác lưu lượng đi lại để tạo ra điện, từ đó giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng thông thường.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019.
Chi tiết về các chương trình hỗ trợ của Thành phố tại:https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn