Khó phát hiện sớm HPV gây ung thư cổ tử cung

Bất cứ ai quan hệ tình dục đều có thể bị HPV. Những triệu chứng nhiễm virus này có thể xuất hiện sau nhiều năm nên rất khó để biết mắc bệnh lần đầu vào lúc nào.
Ảnh minh họa: Internet

Tại Việt Nam hàng năm có đến hơn 6.000 phụ nữ phát hiện bị ung thư cổ tử cung và hơn nửa số đó tử vong. Khoảng 70% trường hợp ung thư cổ tử cung có liên quan đến việc bị nhiễm HPV (do sinh hoạt tình dục). Chúng gây ra những biến đổi ở mức độ tế bào và sinh ung thư cổ tử cung.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến, Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Quốc tế Thành Đô cho biết, HPV là bệnh lây qua đường tình dục phổ biến nhất. Nó là loại siêu vi khác với HIV và HSV (bệnh mụn rộp). Có trên 120 loại HPV khác nhau, một số loại có thể gây những vấn đề sức khỏe bao gồm mụn cóc sinh dục và ung thư.

HPV rất phổ biến và gần như tất cả đàn ông và phụ nữ có quan hệ tình dục đều bị bệnh này tại một số thời điểm nào đó trong đời. Bạn có thể bị nhiễm HPV khi quan hệ tình dục qua miệng, âm đạo hoặc hậu môn với người bệnh.

Theo bác sĩ Kim Xuyến, HPV có thể lây lan kể cả khi người bệnh không có dấu hiệu hay triệu chứng gì. Bất cứ ai có quan hệ tình dục đều có thể bị HPV, ngay cả khi chỉ chung thủy với một người. Những triệu chứng cũng có thể chỉ phát ra sau nhiều năm nhiễm, do vậy rất khó để biết bị nhiễm bệnh lần đầu vào lúc nào.

HPV có thể gây bệnh ung thư cổ tử cung và những loại ung thư khác bao gồm ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hay hậu môn. Nó cũng có thể gây ung thư ở phía sau họng, bao gồm dưới lưỡi và amidan. Không có cách nào để biết người nhiễm HPV nào sẽ bị ung thư hoặc những vấn đề sức khỏe khác.

Một số lưu ý phòng ngừa HPV

- Nên dùng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục. Ðiều này có thể giảm nguy cơ bị HPV. Tuy nhiên HPV có thể lây nhiễm ở những chỗ không được bao cao su phủ lên do đó bao cao su không thể bảo vệ hoàn toàn khỏi siêu vi này.

- Chung thủy, chỉ nên quan hệ với một người (chồng/ bạn tình và biết chắc người này chung thủy).

- Tiêm chủng HPV rất an toàn và hữu hiệu nếu tiêm đủ ba lần trong sáu tháng, dùng cho nữ giới từ 9 đến 26 tuổi nếu chưa nhiễm. Nên chích ngừa sớm để đạt được hiệu ứng miễn dịch tốt nhất. Nên chích ngừa trước khi có hoạt động tình dục.

- Khám và làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ. Thuốc chủng ngừa không bảo vệ tránh khỏi tất cả các loại ung thư cổ tử cung, do đó phụ nữ đã chủng ngừa vẫn cần phải khám phụ khoa, làm Pap’s cổ tử cung thường xuyên.

Theo Vnexpress