UBND tỉnh Bắc Giang đã xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản tư liệu trong chương trình Ký ức thời gian thế giới.
Kho bảo vật quý giá
Thiền phái Trúc Lâm do Giác Hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII và nhanh chóng thu hút được nhiều tăng ni, phật tử tham gia bởi tư tưởng “nhập thế” tiến bộ lúc bấy giờ.
Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng cùng thời gian trên với chức năng đào tạo tăng đồ và phát triển Thiền phái Trúc Lâm. Do đó, nơi đây lưu giữ những tư liệu quý về quá trình hình thành và phát triển của thiền phái được coi là tiêu biểu nhất của Phật giáo Việt Nam.
Đáng chú ý là Kho mộc bản đồ sộ với hơn 3.000 bản khắc gỗ được xác định là có niên đại từ khoảng thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Nội dung của các bản khắc gỗ này khá đa dạng gồm: kinh, sách, luật giới, trước tác nhà Phật…
Theo Hoà thượng Thích Thanh Vịnh, Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm thì các mộc bản này do các nghệ nhân ở Bắc Giang, Bắc Ninh và chủ yếu là Hải Dương khắc thành nhiều đợt.
Nguyên liệu để khắc là gỗ thị, loại gỗ trắng, mềm, mịn, dai, dễ khắc, ít cong vênh, khó nứt vỡ. Bên cạnh đó, lớp mực in dày qua nhiều lần in còn có tác dụng chống mối mọt nên hầu như các mộc bản hiện nay đều trong tình trạng tốt dù việc bảo quản khá thô sơ.
Kích thước của các bản khắc cũng không đồng đều. Có bản khắc lớn nhất chiều dài khoảng hơn một mét, rộng 40 - 50 cm, bản nhỏ nhất chỉ khoảng 15x20 cm.
Quan sát một số bản chúng tôi nhận thấy các nét chữ khá sắc nét, được khắc ngược trên cả hai mặt. Có bản còn ghi tên cả nghệ nhân khắc như Nguyễn Nhân Minh và Phó Nền ở xã Thanh Liễu.
Ông Ngô Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Bắc Giang cho rằng: Kho mộc bản trên không chỉ có ý nghĩa về mặt tư tưởng mà còn có nhiều giá trị đặc biệt:
“Qua kho bảo vật này, người ta có thể khai thác lượng thông tin đa dạng, phong phú như lịch sử Phật giáo, tư tưởng, văn hoá hành đạo, nhập thế của dòng thiền Trúc Lâm, lịch sử nghề khắc in mộc bản, thân thế, sự nghiệp một số vị cao tăng…
Hơn nữa, với sự tài hoa khéo léo của các nghệ nhân xưa mỗi mảnh ván khắc xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo đồng thời còn là nguồn tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu sự phát triển của ngôn ngữ Việt và chữ Nôm trong lịch sử”.
Di sản văn hóa thế giới
Nhận thấy những ý nghĩa lớn của Kho mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm, Sở VH-TT&DL đã tổ chức các buổi hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học đầu ngành bàn về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị kho mộc bản này.
Năm 1964, kho mộc bản được Bộ Văn hóa công nhận là Di sản lịch sử-văn hóa hạng A (di sản cấp quốc gia). Năm 2008 - 2009, Sở VH-TT&DL giao cho Bảo tàng Bắc Giang nghiên cứu toàn bộ các bản khắc, đánh số, mã hoá, chụp ảnh các bản khắc để bảo tồn.
Đầu năm 2010, sở hoàn thiện hồ sơ và trình UNESCO công nhận di sản tư liệu trong chương trình Ký ức thời gian thế giới.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều khả năng kho mộc bản sẽ được UNESCO công nhận di sản văn hoá bởi nếu xét về ý nghĩa xã hội thì Phật giáo là một tôn giáo có ảnh hưởng quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Ngoài ra, các yếu tố về văn hoá, tinh thần, nghệ thuật… cũng đều đáp ứng đủ các yêu cầu đề ra.
Băn khoăn chuyện bảo quản kho cổ vật
Hiện nay, kho mộc bản vẫn do chùa Vĩnh Nghiêm quản lý. Các bản khắc được đặt trong các kệ bằng gỗ, rải rác trong khu Tam Bảo, cách nền đất khoảng 30 - 40 cm. Tuy nhiên, khu vực chùa Vĩnh Nghiêm nằm trên vùng đất chiêm trũng, thường xuyên xảy ra lụt lội, độ ẩm cao nên dễ sinh ra nấm mốc và mối mọt ảnh hưởng đến quá trình bảo quản các di sản này.
“Chúng tôi mong muốn các ngành chức năng sớm nghiên cứu điều kiện tự nhiên, khí hậu nơi đây để có phương thức bảo quản phù hợp.
Bên cạnh đó, cũng cần tổ chức việc in, dịch ra tiếng Việt để quảng bá và phát triển những tư tưởng tiến bộ, nhân văn trong các bản khắc này. Việc này đòi hỏi kinh phí lớn mà bản thân Sở VH-TT&DL khó thực hiện được” - Ông Ngô Văn Trụ băn khoăn.