Khi Tràng Tiền Plaza 'kết duyên' bố chồng Hà Tăng

Đầu tư 400 tỷ đồng để tu sửa, cùng với đối tác mới là công ty của Jonathan Hạnh Nguyễn (bố chồng Tăng Thanh Hà), Tràng Tiền Plaza đang trở lại đường đua hàng hiệu.

Khi Tràng Tiền Plaza 'kết duyên' bố chồng Hà Tăng

> Bố chồng Tăng Thanh Hà và 'canh bạc' Tràng Tiền Plaza
> Tràng Tiền Plaza sắp mở cửa trở lại

Đầu tư 400 tỷ đồng để tu sửa, cùng với đối tác mới là công ty của Jonathan Hạnh Nguyễn (bố chồng Tăng Thanh Hà), Tràng Tiền Plaza đang trở lại đường đua hàng hiệu.

Sau hai năm đóng cửa, Tràng Tiền Plaza bắt đầu trở lại từ 6/4 này với diện mạo mới.

Phải sống chung với khó khăn của nền kinh tế, với sự đồng hành của hàng xách tay, áp lực trực diện đối với Tràng Tiền Plaza là sự cạnh tranh của các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Lần mở cửa trở lại này, Tràng Tiền Plaza có tới bốn năm để chuẩn bị. Một khoảng thời gian đủ dài cho những tính toán kín kẽ. nhưng có lẽ, vào thời điểm này, thị trường sẽ có một màn chào hỏi không mấy dễ chịu.

Chuyện rằng, vị doanh nhân nọ một lần sang Ý, bước vào cửa hàng thời trang và bắt gặp cái nhíu mày của nhân viên phục vụ. Người bạn có kinh nghiệm đi cùng giải thích: “Họ có ý dè chừng, không coi trọng khách người Á và người Phi”.

Tức mình, vị doanh nhân "khoắng" một vòng, không quan tâm đến giá và số lượng. Nhân viên phục vụ thấy “choáng”, còn ông khách vô tình rẽ thêm một hướng kinh doanh mới trong đầu: hàng hiệu.

“Hàng hiệu thời khủng hoảng”

Nằm ngay giữa trung tâm Hà Nội, bên cạnh hồ Gươm, Tràng Tiền Plaza sắp mở cửa. Một sự trở lại hoàn toàn mới, tập trung đánh vào hàng hiệu, gắn với địa chỉ của một trung tâm thương mại đẳng cấp, sang trọng bậc nhất Việt Nam. Kinh doanh “hàng hiệu thời khủng hoảng” - đó cũng là thử thách lớn nhất của Tràng Tiền Plaza ở lần trở lại này.

“Bạn xin tư vấn về lĩnh vực này, có khó gì đâu. Cứ nhìn quanh đi, tất cả các trung tâm mua sắm cao cấp, hàng hiệu đều ảm đạm. Các nhà hàng đặc sản, sang trọng đều vắng khách. Kinh tế suy giảm thế này, cầu rất yếu. Có lẽ đây là thời của các quán trà và cà phê thì hợp lý hơn, bởi người tiêu dùng và người dân đang bận suy nghĩ, đắn đo nhiều hơn là nhộn nhịp đi mua sắm, nhất là với hàng hiệu” - vị doanh nhân nọ chia sẻ.

Tràng Tiền Plaza trong thời gian tu sửa.

Thời buổi kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu đã đành, hàng hiệu trực tiếp vào Việt Nam càng đuối sức trước sự cạnh tranh của hàng xách tay. Một năm sau lối rẽ trên, vị doanh nhân nọ đúc kết: “Khi tìm hiểu thực tế, một bộ phận lớn khách hàng có nhu cầu dùng hàng hiệu thường xuyên lại ưa hàng xách tay, giá thấp hơn 20 - 30% so với hàng chính hãng bán tại Việt Nam, lại tránh được hàng giả Trung Quốc. Thời buổi khó khăn, giá thấp hơn hẳn như vậy rõ ràng họ phải cân nhắc”.

Tìm hiểu thêm qua đầu mối ở ngạch xách tay, một người trong cuộc cho hay, họ chỉ cần lấy chênh lệch thuế là đủ. Còn các trung tâm thương mại, cộng thuế với các chi phí gián tiếp là rất lớn, giá sản phẩm có thể chênh lệch đến 50%, thậm chí cao hơn nữa.

Nhưng dù sao, những người chịu trách nhiệm ở Tràng Tiền Plaza có lẽ đã tính cả. Dấu hỏi lớn nhất là bốn năm về trước, khi bắt tay vào kế hoạch tái cơ cấu và chọn hướng đi mới, họ đã lường trước được rủi ro kinh tế vĩ mô? Bối cảnh thị trường khó khăn là một yếu tố chi phối mức độ thành công của sự khởi đầu này.

Thực tế, sự “vắng lặng” đang bao trùm tại nhiều trung tâm thương mại cao cấp, ngay cả những địa chỉ từng thành công lớn…

Như với Parkson, một điển hình thành công trong việc xây dựng các đại trung tâm hàng hiệu tại Việt Nam, lợi nhuận sụt giảm liên tiếp ba năm qua, đặc biệt giảm mạnh trong năm 2012 cần được tham khảo, rút kinh nghiệm. Cũng lưu ý rằng, doanh thu của họ vẫn tăng trưởng trong ba năm đó, từ 10 - 13%, do liên tục mở rộng địa bàn và hệ thống. Hay như đại gia bán lẻ đến từ Hàn Quốc, các công ty con của Lotte cũng đã chịu lỗ mấy năm liền…

Nhưng với Tràng Tiền Plaza, có thể đó là những thử thách ngắn hạn đối với một tầm nhìn dài hạn?

Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn và vợ ông - diễn viên Thủy Tiên.

Những vũ khí không còn bí mật

Phải sống chung với khó khăn của nền kinh tế và sự đồng hành của hàng xách tay, áp lực trực diện đối với Tràng Tiền Plaza là sự cạnh tranh của các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Song, với những gì hé lộ thời gian qua, họ đang trở lại với những vũ khí cạnh tranh hoàn toàn khác với trước đây.

Ít có trung tâm thương mại nào của Việt Nam nằm trong “Bách khoa toàn thư mở - Wikipedia”, gắn với địa chỉ có bề dày lịch sử như vậy. Tự thân nó đã nổi tiếng, dù chưa hẳn do giá trị thương hiệu cho cuộc cạnh tranh hiện nay. Và bốn năm về trước, Tràng Tiền Plaza đã bắt đầu cuộc cải tổ toàn diện.

Sau một thời gian dài hoạt động kém hiệu quả, Tràng Tiền Plaza được chuyển giao vốn sở hữu qua tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý. Đầu mối này phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiến hành tái cơ cấu.

“Đó là một quá trình thận trọng và chặt chẽ”, một lãnh đạo trực tiếp tham gia đề án tái cơ cấu cho biết. Bởi Tràng Tiền Plaza không đơn thuần là một trung tâm thương mại. Thế nên, ngay từ bước đầu tiên về tu sửa, nhà thầu đã phải lặn lội sang tận Pháp, tìm đến kho lưu trữ để có được thiết kế nguyên bản, dù đã qua cả trăm năm.

Quan trọng nhất là mục tiêu của kế hoạch tái cơ cấu, có trong lời giới thiệu ngắn gọn: “Tràng Tiền Plaza không chỉ là trung tâm thương mại sang trọng bậc nhất của thành phố mà còn là công trình mang tính lịch sử thể hiện vẻ đẹp và nét văn hóa tinh tế của Thủ đô”.

Nguyên tắc việc tu sửa phải giữ nguyên thiết kế bề mặt, tôn trọng lịch sử. Về nội thất, vị lãnh đạo trên khẳng định từng chi tiết nhỏ đều được đầu tư để thể hiện yêu cầu “sang trọng bậc nhất”. Tổng chi phí cho việc tu sửa ước khoảng 400 tỷ đồng, thi công trong khoảng hai năm.

Nằm ở “khu đất kim cương” của Thủ đô, có bề dày giá trị văn hóa và lịch sử, được đầu tư nâng cấp nội thất hoành tráng, Tràng Tiền Plaza bước vào cuộc chơi thực sự giữa các trung tâm mua sắm hàng hiệu.

Quan trọng hơn, sự trở lại này gắn với kết quả của quá trình tái cơ cấu chiến lược kinh doanh, quản trị và cả yếu tố con người. Đối tác được chọn hợp tác với SCIC là DFS, một đại gia nổi tiếng với chuỗi cửa hàng miễn thuế tại các sân bay trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, DFS được đại diện bởi doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn, bố chồng của kiều nữ Tăng Thanh Hà.

Sự hợp tác trên cũng đã là một vũ khí không còn bí mật của Tràng Tiền Plaza. Lễ khai trương sắp tới dự kiến sẽ là một sự kiện náo nhiệt của giới showbiz - nhóm khách hàng mục tiêu của các nhà kinh doanh hàng hiệu.

DFS đã bắt tay vào việc, tìm kiếm và đàm phán với các đối tác, chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý vận hành, và có thể sẽ áp dụng cả mô hình cửa hàng miễn thuế. Hiện các vị trí đẹp nhất của trung tâm đã có sự phủ kín của một loạt thương hiệu như Burberry, Cartier, Dior, Lancôme, Louis Vuitton, MAC Cosmetics, Parfums Christian Dior, Rolex, Miluxe Boutique…

Dường như, Tràng Tiền Plaza chỉ còn chờ câu trả lời của thị trường. Còn phía trước, các đối thủ cũng sẽ tiếp tục mở rộng sự thách thức. Parkson đã tuyên bố kế hoạch tiếp tục mở thêm 3 - 4 trung tâm mới tại Hà Nội. Lotte cũng đang gấp rút để mở trung tâm 65 tầng với tổng vốn dự án lên tới 400 triệu USD.

Còn về phía người tiêu dùng, đó sẽ là những địa chỉ rất kén khách, nhất là khi đang có nhiều hơn những ly cà phê đắn đo với các khoản chi tiêu trước viễn cảnh kinh tế vĩ mô vẫn chẳng mấy sáng sủa.

Theo VnEconomy

Theo Đăng lại