Khi tiền bạc lấn sân tình bạn

Chuyện tiền bạc là chuyện tế nhị trong mối quan hệ bạn bè, và tốt nhất nên tách biệt để dễ xử. Nhưng đâu phải mọi chuyện lúc nào cũng đơn giản như thế…

Trường hợp 1: Những món nợ bé xíu

Đây là người bạn vay mượn một cách thẳng thắn nhất, nhưng thường thì món tiền sẽ hoàn lại tay bạn một cách rất…vòng vo. Họ sẽ hỏi bạn mượn 5k mua bịch nước, 7k mua cuốn tập, hay “vài đồng lẻ” mua tờ tạp chí. Tốt thôi, bạn bè thì không nên tính toán. Nhưng vài lần như thế, sẽ khiến bạn rơi vào cảnh móc túi cho mượn mà không hề thoải mái, ngập ngừng từ chối cũng không xong, mà đi đòi vài ngàn bạc cũng ngại. Thế là tất cả chỉ còn trông chờ vào…lương tâm người mượn mà thôi.

Bạn ạ, nếu như người mượn không cảm thấy ngại vì “mượn mà không trả”, thì bạn không có gì phải áy náy khi “không trả thì phải đòi”. Và rút kinh nghiệm nhé, không mang quá nhiều tiền trong người để tránh cảnh cho vay linh tinh. Bên cạnh đó, nếu ngại khi phải đòi một ít tiền lẻ tẻ, bạn có thể…gộp chung lại làm một khoản kha khá rồi nhắc chừng “con nợ” cũng được.

Trường hợp 2: Đến một khoản to oành

Uhm, có khá nhiều rắc rối quanh chuyện vay mượn một khoản tiền lớn. Nếu êm xuôi thì không sao, nhưng sẽ rất khó khi rơi vào thảm cảnh “con nợ” không có khả năng chi trả, dằn vặt nhau, cự cãi nhau, rồi tệ hơn là phải… siết đồ, thậm chí là nhờ các tay anh chị đi đòi nợ hộ. Khỏi nói tình bạn tan tác thế nào nhé!

Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi người bạn vay bạn một khoản lớn. Bạn phải nắm rõ lý do mượn tiền, thời gian hoàn trả và khả năng chi trả của người ta. Ví dụ một khoản vay để đóng học phí, và gia đình sẽ gửi lên trong tuần sau thì không nói. Nhưng nếu là khoản vay cho một “vụ làm ăn” ỡm ờ nào đó, thậm chí là để đánh bạc, thì khả năng bạn gặp lại tiền của mình rất ít ỏi đấy.

Trường hợp 3: Bữa tiệc xa xỉ

Không phải lúc nào mọi cuộc chơi, tụ tập bạn bè hay tiệc sinh nhật cũng đều vui trọn vẹn. Đó là khi mà bạn phải đau đầu xoay xở một món quà đắt tiền mang đến, tính toán để có thể đóng một khoản lệ phí cao nhất trời, và lo lắng khi cuộc vui tiêu tốn kha khá tiền dằn túi.

Với tuổi teen mình thì chuyện vui chơi ở nơi xa xỉ hay quà cáp hào nhoáng có vẻ không thực tế lắm nhỉ. Do đó đừng cố gắng lao theo một buổi tiệc để rồi sau đó phải nhăn nhó với hằng hà sa số những khoản chi. Và hẳn bạn sẽ hiểu, một người bạn chân thành sẽ biết quan tâm từng hoàn cảnh bạn bè, để ai cũng được vui mà không phải áy náy về chuyện chi phí quá cao.

Trường hợp 4: Thật thà đến mức hồn nhiên

Hình dung như vầy nhé. Bạn rủ A đi ăn kem. A từ chối vì mình không đủ tiền. Bạn, vui vẻ bảo rằng sẽ trả cho. Không có vấn đề gì!

Nhưng lần sau, lần sau, lần sau nữa cũng vậy, lúc nào bạn cũng phải là người “đắp” vào những khoản thiếu hụt ấy thì đã đến lúc bạn bắt đầu phải thay đổi suy nghĩ rồi đấy.

Đúng là tình bạn không nên so kè tính toán, nhưng sẽ không bền nếu một mối quan hệ thiếu mất tính sòng phẳng. Việc bạn cần làm chỉ đơn giản là kiềm chế cái tính hào phóng quá mức của mình. Nếu họ không có đủ tiền, thì bạn hãy đề nghị một điểm đến khác phù hợp cái ví hơn là được.

Trường hợp 5: Người bạn “lấp lánh”

Bạn định nghĩa thế nào về một người bạn “lấp lánh”? Là sành điệu, nổi bật, có điều kiện và vô cùng thu hút. Là có điều kiện, là hàng hiệu, các thiết bị công nghệ mới, và những khoản chi ném tiền qua cửa sổ. Là được thích thú trước sự trầm trồ của đám đông, được đi cùng một nhóm toàn long lanh bắt mắt, và những cuộc vui thâu đêm, kết quả là bạn bở hơi tai khi chạy theo?

Những người bạn như thế có thể khiến chúng mình thích thú, nhưng thường thì những thứ quá “lấp lánh” sẽ khiến bạn bị “chói mắt” đấy. Việc bất chấp hoàn cảnh để đua theo một nhóm bạn sành điệu, e rằng mối quan hệ đó chỉ dừng ở mức “bè nhóm” mà thôi!

Tiền bạc, nếu không cư xử khôn khéo rất dễ tạo ra khoảng cách trong mối quan hệ bạn bè. Thế nên, đừng để sự nhập nhằng làm sứt mẻ tình bạn teen nhé!

Theo Mực tím

Theo Tổng hợp