Khi người dân chọn mua nhà theo…tiến độ
> Khách hàng “bỏ của chạy lấy người”
Việc lựa chọn được căn hộ ưng ý mà không bị “mắc cạn” do dự án chậm tiến độ là một trong những khó khăn của khách hàng trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, thanh khoản kém.
Nhu cầu một căn hộ rộng hơn thay cho căn hộ tập thể 30m2 hiện tại cộng với giá thị trường bất động sản đang giảm mạnh nên vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa (giảng viên một trường Cao đẳng tại Hà Nội) quyết định đi mua một căn hộ mới.
Sau thời gian tìm hiểu và qua bạn bè giới thiệu, anh chị khá ưng một căn hộ thuộc đã ở thuộc chung cư Pháp Vân với giá gần 23 triệu đồng/m2. Căn hộ trên tầng 8 có hướng và phong thủy rất hợp với chồng chị. Nhưng do giá và diện tích lớn nên chưa đủ với tầm tiền anh chị đang có, cùng với khoảng cách khá xa trung tâm nên vợ chồng chị quyết định đi tìm các dự án đang đầu tư.
Thăm quan căn hộ mẫu của ở Trương Định, vợ chồng chị Hoa rất ưng í với căn hộ có diện tích 85 m2, nội thất đẹp có giá hợp lý và còn được giảm phí dịch vụ. Thế nhưng anh chị vẫn chưa đặt bút ký với chủ đầu tư vì băn khoăn tiến độ bàn giao nhà.
“Lăn tăn lớn nhất của vợ chồng mình không biết dự án có hoàn thành theo đúng tiến độ vào năm 2013 hay không. Bởi trong bối cảnh thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung thì chưa có gì có thể nói trước được”, anh Nhữ Đình Hải (chồng chị Hoa) chia sẻ. “Tiền mình nộp theo tiến độ dự án. Thế nhưng chẳng may nhà đầu tư không đủ vốn đầu tư, thì vốn của mình bị om không biết đến khi nào”.
Lo lắng của anh vợ chồng anh Hải, chị Hoa không phải là không có cơ sở. Bởi gần đây, trên thị trường bất động sản ghi nhận hàng loạt dự án chậm trễ hoàn thành so với dự kiến ban đầu khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng, đặc biệt là với những người có nhu cầu nhà ở thực sự.
Theo ông Nguyễn Viết Hòa, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản ở Cầu Giấy, do năm 2011 tình hình kinh tế có nhiều biến động, đặc biệt là chính sách thắt chặt tín dụng của ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản, đã gây nên sự xáo trộn trong việc cơ cấu nguồn vốn đầu tư của các dự án. Điều đó đã dẫn tới làm chậm tiến độ thi công của dự án và ảnh hưởng đến việc bàn giao căn hộ.
Chính vì thế, vợ chồng chị Hoa lại tiếp tục đi tìm các dự án mới với hy vọng “gặp được thầy, được thuốc”.
Khác với vợ chồng chị Hoa, vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Hoàng (Từ Liêm) lại chuyển hướng tìm các căn hộ thuộc “cửa ngõ Thủ đô”. Anh Hoàng chia sẻ: “Mình nhận được nhiều lời mời hấp dẫn khi giá bán giảm mạnh, trung bình 30 -50% so với thời điểm cuối năm 2010, song sau một thời tìm hiểu mình nhận ra rằng một số dự án đang trong tình trạng đắp chiếu, thậm chí có những dự án chưa giải phóng xong mặt bằng”.
Tuy nhiên, khi được một người bạn đã mua và giới thiệu dự án Golden Land tại 275 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), anh Hoàng và vợ đã gần như quyết tâm chọn làm nơi “an cư”. Theo anh, dự án này không giảm giá quá mạnh hay chính sách khuyến mãi lớn mà anh hài lòng với tiến độ của dự án. Dự kiến đến quý 1/2014 anh sẽ được nhận nhà.
“Tôi rất ưng ý với dự án này bởi nó do hãng Archipel danh tiếng của Pháp thiết kế. Lối bài trí hiện đại mang đậm phong cách châu Âu, tận dụng tối đa ánh sáng và không khí tự nhiên, có nhiều mảng cây xanh xung quanh. Ngoài ra, ở đây rất tiện lợi, một bước có tất cả từ khu mua sắm, rạp chiếu phim, nhà hàng, bể bơi trong nhà, sân chơi trẻ em, GYM, Spa…”, anh Hoàng nói.
Ngoài ra, theo anh Hoàng, một “nhân tố” quan trọng khác khiến anh an tâm hơn là dự án có sự tham gia của nhà thầu quốc tế. “Nhà thầu quốc tế sẽ không hợp tác với những dự án mà đứng sau là một chủ đầu thiếu vốn, luôn phải đi huy động vốn từng ngày vì khi đó uy tín và trách nhiệm của một nhà thầu quốc tế cũng ‘bay” theo gió”, anh Hoàng suy luận.
Anh Lê Anh Dũng, nhân viên của một sàn giao dịch bất động sản trên đường Lê Văn Lương chia sẻ, hiện thị trường nếu có giao dịch thì chỉ tập trung vào những dự án có tiến độ hoàn thành tốt theo cam kết, hay những dự án có chủ đầu tư uy tín với tiềm lực tài chính mạnh. Với những dự án chưa giải phóng mặt bằng hay vẫn chỉ là bãi đất hoang thì gần như chết đứng từ gần 1 năm nay.
“Trong khi rất nhiều các dự án rơi vào tình trạng bị bỏ rơi do chủ đầu tư thiếu vốn dẫn đến việc tiến độ công trình bị bỏ ngỏ, đánh mất niềm tin của khách hàng, thậm chí xung đột giữa khách hàng và chủ đầu tư còn lên đến mức cao hơn đó là kiện cáo, thì những công trình đảm bảo tiến độ của những chủ đầu tư uy tín phần nào “vớt vát” lại niềm tin vốn bị khủng hoảng lâu nay của khách hàng”, anh Dũng chia sẻ.
Theo Kiên Hoàng
Dân Trí