Khi nghệ sĩ bán tên mình

TP - Một ca sĩ đã có tên tuổi và tiếp tục khẳng định sức hút với những chương trình biểu diễn miễn phí độc nhất vô nhị giữa trung tâm Thủ đô bỗng một ngày trở thành trung tâm của một vụ điều tra hàng giả.

Số là một khách hàng đến cửa hàng mang tên ca sĩ này mua đồng hồ có thương hiệu B.G được quảng cáo xuất xứ từ Đức với cam kết nếu phát hiện hàng giả đến 100 triệu đồng. Lại được chiết khấu nửa non giá niêm yết (trong khoảng 20 đến hơn 40 triệu đồng/sản phẩm) nên khách đã mua. Nhưng sau khi đeo được ít lâu, khách bỗng phát hiện ra cũng nhãn hiệu đồng hồ đó được bày bán đầy trên các sàn thương mại điện tử lại được giới thiệu là sản xuất tại Trung Quốc. Khách truy cập vào trang web của thương hiệu phát hiện thấy công ty sở hữu trang web đúng là có trụ sở ở Trung Quốc thật.

Nhận được phản ánh từ người tiêu dùng, một số phóng viên vào cuộc điều tra và phát hiện ra những thông tin đáng chú ý. Trong đó, cửa hàng của ca sĩ tự giới thiệu độc quyền phân phối nhãn hiệu này tại Việt Nam và nhập khẩu từ công ty B.G Việt Nam. Nhưng khi phóng viên lần tìm theo địa chỉ của công B.G Việt Nam chính là một tư gia nằm sâu trong ngõ ở Hà Nội. Công ty cũng chẳng có biển hiệu, người dân xung quanh không ai biết.

Sau một hồi phóng viên gõ cửa (trong vai người tìm mua đồng hồ B.G) cũng được gặp người tự xưng là giám đốc B.G Việt Nam từ trong nhà đi ra. Người này cho biết đây là nhà riêng và chỉ đăng ký trụ sở công ty. Khách muốn mua sản phẩm thì phải tới đại lý chính hãng, độc quyền là Đồng hồ T.H có trụ sở ở Hà Nội và TPHCM. Ông “giám đốc” tiếp tục xác nhận B.G là đồng hồ Đức...

Cuộc điều tra vẫn đang được tiếp tục, nhưng có thể thấy việc tên tuổi của ca sĩ nọ đã bị nêu đích danh kèm hình ảnh trong bài điều tra. Điều này không khỏi ảnh hưởng đến danh tiếng mà ca sĩ đã gây dựng trong sự nghiệp hơn 20 năm qua. Công việc bán đồng hồ mới diễn ra vài năm trở lại đây kể từ khi ca sĩ lập gia đình. Mặc dù “mang tiếng” sáng lập ra thương hiệu cửa hàng đồng hồ nhưng chưa chắc ca sĩ đã đứng ra điều hành kinh doanh.

Việc một số nghệ sĩ khi đã thành "sao" bèn cho “mượn tên” để hùn hạp kinh doanh cùng đối tác không phải là hiếm. Nó an toàn hơn việc lấy chính nghệ danh mình ra để biến thành thương hiệu kinh doanh trong một lĩnh vực khác hẳn. Nhất là khi anh không tự sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm mà chỉ mua đi bán lại. Nếu sản phẩm có vấn đề gì, tên tuổi anh sẽ hứng trọn hậu quả.

Những ca sĩ nổi tiếng thường tự nhận là được “Tổ đãi”. Nghĩa là anh đã được trời phú cho một năng lực kèm đủ điều kiện may mắn để thành "sao". Và "sao" ca nhạc ở Việt Nam đâu có nghèo. Tất nhiên không phải vì nghèo mà người ta mới kinh doanh, nhưng rõ ràng việc vừa đảm bảo hai chuyên môn một lúc là điều không dễ. Trên thế giới có những "sao" kinh doanh tên mình rất thành công nhưng họ đều gần như giải nghệ trong lĩnh vực chuyên môn trước đây của mình.

Ngoài ra có thể thấy các "sao" thường chọn những mặt hàng gắn với thời trang như quần áo, mỹ phẩm... Đây dù sao cũng là những sản phẩm thông dụng hơn, có yếu tố nghệ thuật và quan trọng là mức đầu tư thấp hơn trong khi có thể bán với giá cao. Vì người hâm mộ sẵn sàng bỏ thêm tiền để mua cái tên của nghệ sĩ gắn trên chai nước hoa chẳng hạn.

Bảo nghệ sĩ đầu tư hẳn một nhà máy tự sản xuất đồng hồ quả là không tưởng. Với những mặt hàng kỹ thuật cao như thế, anh ta chỉ có thể mua đi bán lại kiếm chênh lệch mà thôi. Mặc dù sự việc còn chưa ngã ngũ nhưng giờ đây chắc nhiều người hâm mộ ca sĩ nọ đang mong ước giá như thần tượng của mình tập trung đi hát hoặc chỉ làm cổ đông chứ đừng đứng ra sáng lập thương hiệu buôn bán làm gì cho mệt.