Trong cuộc gặp với các doanh nghiệp phái cử về hướng dẫn triển khai chương trình lao động kỹ năng đặc định và chương trình thực tập sinh kỹ năng mới đây, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, tính đến nay Việt Nam có hơn 200 nghìn thực tập sinh sang làm việc tại Nhật Bản. Riêng năm 2018, Việt Nam có gần 70 nghìn thực tập sinh, trở thành nước phái cử lớn nhất trong số 15 nước có thực tập sinh sang Nhật.
Ông Hayashi Yuzo, Phó Ban Quốc tế, Tổ chức hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO) cho biết, với số lượng thực tập sinh đang chiếm trên 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản, chương trình lao động kỹ năng đặc định đang là cơ hội lớn đối Việt Nam.
Theo đó, đối với chương trình này, thực tập sinh có cơ hội hưởng mức lương bằng hoặc cao hơn so với lao động Nhật Bản cùng ngành nghề. Thời gian lưu trú kéo dài tới 5 năm và được phép gia hạn thêm. Đặc biệt, đối với chương trình kỹ năng đặc định số 2 (có kỹ năng thành thạo), người lao động được phép gia hạn không giới hạn số lần và có thể lưu trú vĩnh viễn ở Nhật cho tới tuổi nghỉ hưu. Người lao động cũng có thể được phép đón gia đình sang Nhật sống cùng và chuyển đổi sang công ty khác trong cùng ngành nghề nếu có lý do chính đáng, điều mà trước đây không có.
“Chương trình này với mục đích bù đắp sự thiếu hụt lao động có tay nghề của Nhật Bản nên quyền lợi của thực tập sinh nước ngoài sẽ được đảm bảo giống như lao động Nhật”, ông Hayashi Yuzo khẳng định.
Theo ông Matsutomi Shigeo, Phó Chủ tịch JITCO, chương trình lao động kỹ năng đặc định là chương trình tiếp nhận lao động quan trọng nhất của Nhật hiện nay nên tiêu chuẩn cũng cao hơn so với chương trình khác. Với tỷ lệ thực tập sinh bỏ trốn cao, Việt Nam cũng đối diện không ít thách thức. Năm 2018, Việt Nam có gần 6000 thực tập sinh bỏ trốn, chiếm 64% tổng số thực tập sinh bỏ trốn ở Nhật. Tỷ lệ này cũng đang có xu hướng gia tăng. Do đó, đại diện phía Nhật cho rằng, Việt Nam cần định hướng cho thực tập sinh chấp hành đúng pháp luật, nâng cao chất lượng đào tạo và kiểm soát tình trạng môi giới, trung gian….để giảm bớt tỷ lệ này.
Về thời gian triển khai chương trình, trao đổi với Tiền Phong, đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự sốt ruột khi vẫn chưa thể thực hiện. Trả lời vấn đề này, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện Việt Nam và Nhật Bản vẫn còn một số nội dung chưa thống nhất do cơ chế thực hiện của các bên có nhiều điểm khác biệt.
Theo ông Hương, trong chương trình kỹ năng đặc định, Việt Nam quan tâm đến mức phí mà phía nghiệp đoàn Nhật chia sẻ, đặc biệt là phí đào tạo. Nếu đàm phán được nội dung này, người lao động sẽ giảm được một khoản chi phí. "Cố gắng cuối năm nay, hai bên sẽ thống nhất các điều khoản”, ông Hương nói.
Đại diện phía Nhật Bản cũng cho biết, do chương trình với tiêu chuẩn cao và có nhiều nội dung mới nên tính đến tháng 9/2019, số lượng thực tập sinh đi theo chương trình lao động kỹ năng đặc định mới chỉ 219 người.