Khi 'bà đỡ' bắt tay startup

TP - Chưa bao giờ mối quan hệ giữa “bà đỡ” (nhà đầu tư) và startup được chú ý như lúc này - khi tinh thần khởi nghiệp được “thắp” lên khắp nơi, bất chấp một tỷ lệ rất lớn các startup “một đi không trở lại” chỉ sau vài năm ra đời.
Startup cần một “bà đỡ” nhưng phải biết nắm cơ hội để phát triển. Ảnh: U.P

Ðầu tư giống như... hôn nhân

Câu chuyện về vốn là vấn đề muôn thuở đối với nhiều startup non trẻ. Không ít startup sau một thời gian ngắn xuất hiện đã phải rời khỏi thị trường cùng với những khoản nợ lớn.

Dù nhận được số tiền đầu tư gần 3 tỷ đồng từ một “cá mập” để phát triển dự án trồng rau sạch, nhưng Lê Thị Xuân Phú (30 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) vẫn rất lo lắng. “3 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần công ty. Cái tôi lo là nhà đầu tư sẽ tham gia vào việc điều hành, chi phối những dự án mà tôi đã sinh ra nó. Chưa kể mình còn chia phần trăm lợi nhuận theo hợp đồng đã ký, nếu không thực hiện đúng thì nguy cơ mất công ty là chuyện sớm muộn”, nữ startup trẻ chia sẻ.

Thực tế, câu chuyện startup bị nhà đầu tư “nuốt chửng” sau thời gian đầu tư không còn là chuyện lạ. Điển hình nhất là trường hợp một startup kinh doanh lĩnh vực quán cà phê, sau khi huy động thành công hơn 5 triệu USD từ các quỹ đầu tư tại London và Hồng Kông, đã liên tiếp mở rộng phạm vi kinh doanh với 26 chi nhánh tại Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên khi nhà đầu tư cùng tham gia vào dự án thì “cơm không lành, canh không ngọt”, CEO của startup này phải rời đi, cả hệ thống đồng loạt đóng cửa.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng, khi startup gọi vốn đầu tư phải lường trước mục đích của họ là muốn cùng phát triển hay khi “nuôi lớn” sẽ thâu tóm. “Cốt lõi là doanh nghiệp thành công chứ không phải đầu tư. Việc đầu tư giống như hôn nhân. Hôn nhân không phải là mục đích, mà là điểm đầu hành trình đi tìm hạnh phúc. Sau khi startup nhận được đầu tư, cả hai bên phải cùng thành công thì mới là điểm đích. Do vậy, startup cần định vị rằng gọi vốn là mời nhà đầu tư tham gia vào, chứ không phải xin xỏ. Đó là quỹ đầu tư, không phải quỹ từ thiện”, ông Hưng nhấn mạnh.

Startup mới thành lập non kinh nghiệm, mỏng nhân lực, dù muốn hay không vẫn phải đương đầu với những thách thức, khó khăn trong suốt thời gian hoạt động kinh doanh. Để lớn mạnh, bài toán mà các startup thường đi là kết hợp với nhà đầu tư. Trong khi số lượng startup gọi vốn nhiều hơn nhà đầu tư khiến cuộc cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt.

Theo thống kê của DealStreetAsia, khoản đầu tư vào các startup ASEAN trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt 8,58 tỷ USD, so với con số 9,88 tỷ USD vào cùng kỳ năm 2018. Trong cả năm 2018, các startup ASEAN huy động được 14,7 tỷ USD. Trong đó, Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng, tiếp đến là Thái Lan, Indonesia.

Các chuyên gia cho rằng tổng vốn đầu tư vào các startup của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và có rất ít doanh nghiệp thu hút được vốn đầu tư vài chục triệu đô la. Số lượng startup được mua bán, sáp nhập (M&A) không nhiều và startup phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) thì gần như không có.

“Bắt tay” để lớn mạnh

Đã từng gọi vốn thành công, anh Bùi Hải Nam, CEO Datamart cho rằng startup không nên mang tâm lý sợ bị “nuốt chửng” khi hợp tác với các ông lớn, vì thời gian đầu rất cần sự hỗ trợ để tồn tại và phát triển. Nếu doanh nghiệp có cơ hội bắt tay cùng những “người khổng lồ” thì cũng nên cân nhắc, chọn hình thức chủ động và độc lập để cùng nhau phát triển.

Những bước đi đầu tiên của startup nên cân nhắc lựa chọn “đứng trên vai người khổng lồ” để tiết kiệm chi phí, tận dụng tối đa sự hậu thuẫn, danh tiếng, kinh nghiệm cũng như nguồn nhân lực đến từ những ông lớn. Đây là một trong những nền tảng giúp startup tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh tăng cao, thị phần càng bị chia nhỏ. “Nên mạnh dạn đặt quan hệ hợp tác với những doanh nghiệp lớn, đừng mang tâm lý sợ bị thâu tóm hoặc nuốt chửng. Gia nhập vào những tập đoàn lớn sẽ góp phần tạo ra những giá trị lớn hơn cho khách hàng”, anh Nam nói.

Ông Đỗ Hữu Hưng, CEO nền tảng tiếp thị liên kết Accesstrade, đánh giá hiện nay startup có nhiều cơ hội nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ của thị trường, dòng vốn dành cho khởi nghiệp nhiều cùng nguồn nhân lực trẻ năng động bắt kịp xu hướng công nghệ. Bên cạnh đó, những khó khăn vẫn còn tồn tại như năng lực của startup còn hạn chế, trình độ chuyên môn hóa yếu kém, hệ sinh thái vẫn còn mới.

Để phát triển hệ sinh thái, trước tiên các startup cần phải tập trung làm tốt về sản phẩm và dịch vụ của mình sau đó tăng cường việc mở rộng hệ sinh thái, chú trọng đến việc quản lý doanh nghiệp cũng như hệ sinh thái. “Các startup muốn thành công thì phải tận dụng các cơ hội, tranh thủ học hỏi để vươn lên, thử nghiệm thêm những sản phẩm đột phá", ông Hưng nói.

Mối quan hệ giữa “bà đỡ” - startup nếu không minh bạch sẽ trở thành rào cản. “Bà đỡ” lo startup không làm nổi sản phẩm, dịch vụ như mong muốn. Startup lại sợ nhà đầu tư bỏ tiền rồi thâu tóm, trở thành người làm thuê cho chính những “đứa con” tinh thần của mình.

“Tôi không phủ nhận có chuyện nhà đầu tư muốn o ép, chi phối startup, nhưng nếu startup chỉ giữ riêng cho mình những điểm nổi bật vì lo sợ người khác “ăn cắp” thì cũng đồng nghĩa đang tự đánh mất cơ hội phát triển. Do đó cần biết nhận định tình hình, có cách ứng xử đem lại kết quả tốt nhất cho đôi bên”, ông Võ Đức Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nam Phương phân tích.

(còn nữa)

“Việc đầu tư giống như hôn nhân. Hôn nhân không phải là mục đích, mà là điểm đầu hành trình đi tìm hạnh phúc. Sau khi startup nhận được đầu tư, cả hai bên phải cùng thành công thì mới là đích đến”.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM