May mà phim chuyển theo hướng này. Nếu không, chưa chắc có được một bộ phim vừa nghiêm túc vừa câu khách. Hào hùng, xứng đáng công chiếu dịp Đại lễ.
Khát vọng lớn: Bình yên
Trong phim, vẫn có chuyện tình Lý Công Uẩn, Lê Long Đĩnh (dân gian gọi là Lê Ngọa Triều) và Dạ Hương- một ca nhi có tấm lòng, có khí phách. Nhưng câu chuyện tình chỉ là một tuyến, góp phần tô đậm tính cách của Lý Công Uẩn, Lê Ngọa Triều; ca ngợi vẻ đẹp của người con gái Đại La, cũng là vẻ đẹp của Thăng Long. Một biểu hiện nho nhỏ về khát vọng bình yên của người dân nước Việt.
Lớn lên trong chùa, từ nhỏ Lý Công Uẩn đã bộc lộ khí chất hơn người. Quốc sư Vạn Hạnh thấy vậy bèn gửi vào triều, ra mắt Lê Đại Hành. Công Uẩn trở thành bạn của Lê Long Đĩnh mặc dù người này sớm bộc lộ bản chất tiểu nhân, cục súc, không đủ tư chất để nối ngôi. Công Uẩn hứa với vua Lê, sẽ vì nghĩa lớn ra sức giúp triều đình và Long Đĩnh.
Lý Công Uẩn và vua Lê Long Đĩnh trong phim 'Khát vọng Thăng Long'
Vua Lê băng hà, trước khi qua đời đã truyền ngôi cho Lê Long Việt. Nhà vua trẻ có ngoại hình xinh trai, được hóa trang để nom có vẻ yểu tướng. Vì chỉ lên ngôi được ba ngày đã bị em trai Long Đĩnh ám sát, cướp ngôi.
Trước những biến cố đẫm máu, tan vỡ giấc mộng về một triều đình anh minh, Công Uẩn rời bỏ kinh đô Hoa Lư. Nhưng rồi chứng kiến những cảnh đời khốn khó, ông hiểu mình cũng chỉ là một thân phận bé nhỏ bất lực nếu không có quyền bính, phò vua, bình thiên hạ, đem lại hạnh phúc cho muôn dân. Công Uẩn quyết định quay lại Hoa Lư. Ngăn chặn những cuộc nội chiến phi nghĩa, thống nhất đất nước và cuối cùng là quyết định sáng suốt- dời đô về Thăng Long.
Thông điệp về khát vọng bình yên lấp lánh trong 110 phút của phim. Đậm nhất là lần Công Uẩn đối đầu Long Đĩnh trước ba quân: “Bệ hạ có thể giết thần, nhưng không thể giết chết khát vọng bình yên của Đại Cồ Việt”. Đây là thông điệp xứng đáng của bộ phim, về khát vọng hòa bình, yên dân, hạnh phúc của của một vị vua sáng suốt. Khát vọng ngàn đời của cả một dân tộc, của kinh đô Thăng Long nay đã bước sang tuổi 1.000.
Hấp dẫn, kịch tính
Ngoài các nhân vật chính sử như vua Lê Hoàn, hoàng hậu Nghi Lan, Lê Long Đĩnh, Lý Công Uẩn…, nhân vật còn lại đều là hư cấu. Phim không sa vào sử ký, mà sự hư cấu cũng không gây cảm giác giả như một số phim lịch sử khác.
Kịch tính, mạch phim nhanh khiến Khát vọng Thăng Long xem hồi hộp, thú vị. Sự tàn ác, tráo trở của nhân vật Lê Long Đĩnh gần như là căn nguyên của những kịch tính. Bên cạnh đó, khá nhiều tình tiết lãng mạn khiến phim có độ lắng cần thiết, không chỉ thiên về hành động như dư luận lo lắng.
Các cảnh hành động khá đạt. Võ thuật, đại cảnh chiến trường do Johnny Trí Nguyễn đạo diễn- gay cấn, đẹp mắt. Kể cả cảnh rượt đuổi trên lưng trâu, cảnh đánh nhau của trẻ em cũng kỳ công. Nhiều cảnh huy động bốn máy quay, đặc tả các pha đánh đấm cũng như diễn biến tâm lý của nhân vật.
Trên generic thấy đề đạo diễn hình ảnh là Dominic. Kỹ xảo hình ảnh của Hàn Quốc. Còn khâu biên tập đều qua tay các nhà biên tập Pháp, Mỹ. Nên nhìn tổng thể, phim đạt đến sự chuyên nghiệp và có tầm. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh khá tiết chế với các cảnh tình yêu, tình cha con. Khi cần đẩy nhân vật Lê Long Đĩnh đến tận cùng phản diện, anh cũng tỏ ra không tiếc tay.
Đại cảnh trong phim.
Dàn diễn viên diễn xuất tốt. Quách Ngọc Ngoan cho thấy một Lý Công Uẩn trí dũng mà lại gần gũi thân thuộc. Trong khi vai Nguyễn Du của anh- phim Long thành cầm giả ca ra mắt cùng thời điểm, gần như chỉ được cái đẹp trai. (Quách Ngọc Ngoan là người mẫu, đoạt giải Bạc cuộc thi Siêu mẫu 2008).
Diễn viên phụ cũng là điểm sáng của phim, từ các vai nhí như Công Uẩn hồi nhỏ, hay chú bé con trai người lính trận. Diễn viên kịch Viết Vinh người Hải Phòng hé lộ rằng anh bị choáng, sững sờ trong quá trình tham gia một bộ phim hoành tráng bao nhiêu thì vất vả bấy nhiêu. Bản thân anh vào vai tướng Nguyễn Đễ, người có cảnh rất hay ở cuối phim khi trao gươm báu cho Công Uẩn: “Với những điều mà người đã làm cho Đại Việt, thanh gươm này mãi mãi thuộc về người”.
Điểm không sáng trong dàn diễn viên là Ngô Mỹ Uyên. Vai hoàng hậu- vợ vua Lê Hoàn được cô chọn lối diễn xuất kịch trường. Vũ Đình Toàn khá đạt vai Long Đĩnh nhưng có chỗ cũng ánh lên nét kịch, như lúc trá hàng Long Việt. Cảnh Dạ Hương múa trên thành để tung hỏa mù, lừa đội quân của Long Kính có phần khiên cưỡng. Cuối phim, Công Uẩn với mái tóc dài, hai cánh tay dang rộng diễn thuyết trước hàng quân, cũng hơi gợn và có vẻ Tây Tây, gợi liên tưởng… Chúa Giê-su.
Khát vọng Thăng Long được quay ở Hà Nội, Ninh Bình, Huế, Đăk Lăk. Từ bối cảnh đến phục trang, cảnh sinh hoạt, phong tục đều gần gũi đậm hồn Việt. Khiên đao, giáp trụ khá đẹp. Tuy vậy vẫn có sạn kiểu kiếm đâm lút lưng không chảy máu. Phim có tông màu nâu trầm từ đầu đến cuối, trong khi có đoạn lẽ ra sáng bừng lên mới phải. Đạo diễn lý giải: “Người Trung Quốc ưa màu vàng trong khi màu của Việt Nam phải là nâu”.