Khả năng sống sót của phi công SU-30MK2 còn lại là rất cao

TP - Đại diện đội tìm kiếm cứu hộ tại Nghệ An cho biết, cùng với việc đưa phi công Nguyễn Hữu Cường vào bờ, lực lượng chức năng và phương tiện máy bay, tàu cứu hộ, cứu nạn, hải quân đang tiếp tục quần thảo trên biển, mở rộng diện tích tìm kiếm phi công còn lại.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (đội mũ cối, giữa) không khỏi căng thẳng khi vừa trở về đất liền. Ảnh: V.H.

Trở về từ biển cả

Hơn 1 ngày kể từ khi máy bay Su- 30MK2 gặp nạn trên biển Nghệ An, phi công, thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi), Phó phi đội trưởng Phi đội bay Su-30MK2, cập bờ an toàn lúc 13h30 chiều 15/6 tại cảng Hải đội 2 Biên phòng tỉnh Nghệ An (Cửa Hội- Nghệ An).

Thiếu tá Cường (một trong hai phi công trên chuyến bay) đã được tàu cá mang số hiệu HT 20219 của ông Phạm Văn Lệ (trú tại xóm 4, xã Thạch Bằng, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) phát hiện, vớt lên tàu gần khu vực đảo Mắt lúc rạng sáng 15/6.

Chia sẻ về hành trình cứu người của mình, ngư dân Lệ cho biết: “Tối 14/6, tàu cá đang neo ở khu vực giáp ranh biển Nghệ An và Thanh Hóa để chờ buông lưới. Đến khoảng 4h sáng ngày 15/6, cả tàu trở dậy (trên tàu có 7 ngư dân) để kéo lưới thì tôi phát hiện một ánh đèn ở ngoài biển, cách tàu mình khoảng 30m cùng với tiếng kêu thuyền ơi cứu với”.

Nhận ra có người đang bị nạn trên biển, ông Lệ kêu bạn tàu hạ thuyền thúng, chèo ra cứu người. Khi đưa được nạn nhân lên thuyền, ông Lệ mới biết anh Cường chính là một trong hai phi công đang gặp nạn trên biển như thông báo của các lực lượng chức năng qua bộ đàm trước đó.

“Nhìn anh Cường mừng chảy nước mắt khi tiếp cận chúng tôi mà niềm vui như vỡ òa giữa biển cả. Tất cả 7 anh em chúng tôi ai cũng vui mừng khi vừa làm được một việc tốt, mừng khi cứu được một người con của đất nước trở về”, ngư dân Lệ chia sẻ.

Đón em trên bờ, anh Nguyễn Văn Mạnh (anh trai thiếu tá Nguyễn Hữu Cường) nói: “Đón em cập bờ chúng tôi hiểu được cảm xúc từ cõi chết trở về thế nào, cảm ơn tất cả ngư dân trên tàu cá ông Lệ, cảm ơn các lực lượng chức năng đã kịp thời cứu sống em tôi”.

Tại đơn vị trực chiến công tác cứu hộ Su - 30MK2 bị nạn, trong khi thiếu tá Nguyễn Hữu Cường được nghỉ ngơi sau một ngày đêm lênh đênh trên biển thì ông Phạm Văn Lệ cũng được Bộ Quốc Phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 4, Quân Chủng Phòng không không quân, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An tặng quà, động viên khen thưởng vì có thành tích xuất sắc từ biển trở về. 

Ngư dân Phạm Văn Lệ.

“Khả năng sống sót của phi công còn lại là rất cao”

Khoảng 16h ngày 15/6, trao đổi với Tiền Phong, đại diện đội tìm kiếm cứu hộ tại Nghệ An cho biết, cùng với việc đưa phi công Nguyễn Hữu Cường vào bờ, lực lượng chức năng và phương tiện máy bay, tàu cứu hộ, cứu nạn, hải quân đang tiếp tục quần thảo trên biển, mở rộng diện tích tìm kiếm phi công còn lại.

Chỉ huy trực tiếp tại hiện trường, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng dồn toàn lực để tìm kiếm phi công còn lại trên chiếc Su30 mất tích là thượng tá Trần Quang Khải.

Trung tá Trần Đình Hậu (Phó Trung đoàn trưởng - Trung đoàn 923 (Sư đoàn 731 thuộc Quân chủng phòng không không quân) cho biết: “Thông tin chính xác từ phi công Nguyễn Hữu Cường là cả hai đã bung dù sau khi máy bay gặp sự cố. Khi tiếp mặt nước thiếu tá Cường còn nhìn thấy thượng tá Khải nên khả năng sống sót của đồng chí Khải là rất cao”.

Trung tá Hậu phân tích, đối với một phi đội bay như thế đều được trang bị các dụng cụ an toàn một cách tốt nhất có thể. Có nghĩa, khi gặp sự cố bất khả kháng mà không thể sử dụng các thao tác để cứu máy bay, cách còn lại phi công phải bung dù để cứu lấy chính mình. 

Khi phi công đã bung dù xuống với cự ly cách mặt tiếp giáp khoảng 1.500m thì chiếc thuyền phao dưới mông của phi công sẽ tự động được bơm khí thành một thuyền phao có dây nối với chiếc dù. Trong trạng thái phi công đủ tỉnh táo thì sẽ kéo được chiếc thuyền đó về phía mình và leo lên một cách an toàn.

Trung tá Hậu nhấn mạnh: “Một đặc điểm quan trọng khác để chúng tôi hy vọng đồng đội mình còn sống sót đó chính là tất tần tật các nhu yếu phẩm trên chiếc thuyền phao tự động đó sẽ đảm bảo đủ cho phi công ăn uống ít nhất trong vòng hai ngày như lương khô, nước ngọt. Ngoài ra trên thuyền phao còn có bật lửa, dao nhọn để phi công sử dụng khi cần thiết”.

Tuy nhiên, trung tá Hậu cũng chia sẻ, “mặc dù được trang bị bộ dụng cụ sinh tồn, các phi công vẫn phải nỗ lực và có tinh thần thép để đảm bảo mạng sống của mình”.

Trao đổi nhanh với PV Tiền Phong qua điện thoại trong giây phút vừa được ngư dân cứu sống, thiếu tá Cường chia sẻ: “Khi máy bay cách mục tiêu 15km, ở trong buồng lái nghe một tiếng nổ. Cả hai anh em cùng buông dù bay cách nhau khoảng 3km, lúc rơi xuống biển cách nhau khoảng 6km, tôi rơi ở vị trí nhìn thấy bờ đảo Mắt. Một đêm lênh đênh trên biển phát tín hiệu cầu cứu, đến rạng sáng hôm sau thì một tàu cá đã nhận được tín hiệu và tôi đã may mắn trở về”.  

Minh Thùy