Kết nối giao thông sân bay Long Thành: Bao giờ đồng bộ?

TP - Theo kế hoạch, Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) tại Ðồng Nai sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác năm 2025, đòi hỏi một hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối. Thế nhưng các tuyến giao thông hiện nay đã quá tải gấp nhiều lần, một số dự án vẫn đang trên giấy hoặc ì ạch triển khai do thiếu vốn.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành thi công cầm chừng vì thiếu vốn

Nguy cơ thêm tắc nghẽn

Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh  Đồng Nai sẽ có 5 tuyến đường cao tốc đi qua, gồm: TPHCM - Long Thành- Dầu Giây;  Bến Lức - Long Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu; Dầu Giây - Liên Khương. Đây là những trục giao thông chiến lược mang tính kết nối giữa các địa phương cũng như kết nối vùng miền Trung - Tây Nguyên - đồng bằng sông Cửu Long với Đồng Nai, trong đó sân bay Long Thành làm tâm điểm. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015. Đây là cao tốc duy nhất đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, đóng vai trò hết sức quan trọng trong kết nối giữa Đồng Nai với trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất cả nước là TPHCM, nhưng hiện đã rơi vào tình trạng quá tải.

Sân bay Long Thành khi hình thành sẽ có đường kết nối lên cao tốc Long Thành -  Dầu Giây, nhưng với sự quá tải hiện nay, đến khi sân bay này đưa vào khai thác tuyến cao tốc sẽ không thể đáp ứng. Do vậy, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị mở rộng đoạn cao tốc Long Thành - TPHCM từ 4 lên 8 làn xe. Hiện dự án mở rộng tuyến cao tốc này vẫn chưa được triển khai.

Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành có tầm quan trọng trong việc kết nối các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh Đông Nam Bộ. Khi sân bay Long Thành hoạt động tuyến cao tốc này  chia sẻ áp lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 51 và Quốc lộ 1. Tuy nhiên, được khởi công xây dựng từ năm 2014, nhưng đến nay tuyến cao tốc vẫn đang thi công cầm chừng vì thiếu vốn.

Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nối TP Biên Hòa với TP Bà Rịa được xây dựng nhằm giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 51 đang quá tải. Quốc lộ 51 là tuyến đường duy nhất cho các phương tiện vận chuyển từ các tỉnh miền Đông, miền Tây và TPHCM đến  TP Vũng Tàu.  Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, tuyến cao tốc này vẫn nằm trên giấy.   

Ðẩy nhanh xây dựng các tuyến đường cao tốc

Với công suất 25 triệu lượt hành khách/năm, việc kết nối giao thông với  sân bay Long Thành là rất quan trọng và cấp bách.  Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết,  Đồng Nai xác định động lực phát triển lớn nhất của dự án sân bay Long Thành chính là tác động đến sự phát triển của các vùng xung quanh sân bay. Vì vậy việc đẩy nhanh hoàn thành các tuyến đường cao tốc đang xây dựng, mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành- Dầu Giây và triển khai đầu tư sớm các dự án đường cao tốc trong quy hoạch là điều kiện cấp thiết để khai thác hiệu quả cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai.

Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, lượng phương tiện tăng nhanh, hạ tầng kỹ thuật không phát triển kịp đã khiến tuyến đường huyết mạch quá tải gấp 4 lần so với thiết kế, xuống cấp trầm trọng. Để giải quyết quá tải trên QL51, dự án cao tốc Biên Hòa đã được Bộ GTVT đề ra từ chục năm trước nhưng nay vẫn giậm chân tại chỗ. Trước thực trạng này, năm 2019, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.  

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh đã bàn giao hồ sơ cho Ban QLDA 85 để tiếp tục tham mưu Bộ GTVT triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư dự án trong giai đoạn 2021-2025 nhằm giảm tải ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 51 hiện nay.

Ông Ðinh Hồng Hà, Tổng Giám đốc Cty Ðường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đơn vị đang khai thác dự án BOT Quốc lộ 51, cho biết, sự quá tải khiến tuyến đường thường xuyên kẹt xe, làm hư hỏng mặt đường. Trong khi đó dự án cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu đã có từ 10 năm trước và theo kế hoạch tuyến cao tốc này sẽ đưa vào khai thác đầu năm 2021, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt tiền khả thi. “Quốc lộ 51 sẽ áp lực hơn nữa khi sân bay Long Thành hoạt động”, ông Hà nói.