> Kế hoạch của Trung Quốc trên Biển Đông: Trong và ngoài nước phản đối mạnh mẽ
> Mưu đồ phi pháp nhắm vào ngư dân Việt Nam trên biển Đông
Ngày 5-12, Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại tỉnh Hải Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải Nam Ngô Sĩ Tồn nói rằng, Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam (sửa đổi) mà tỉnh này thông qua ngày 27-11 sẽ được áp dụng trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo mà Trung Quốc tuyên bố là “đường cơ sở”.
Tuy nhiên, một giáo sư công tác tại Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc cho biết, nội dung Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam (sửa đổi) hoàn toàn không đề cập phạm vi áp dụng trên biển cụ thể là bao nhiêu hải lý.
Theo quy định, luật pháp của Trung Quốc, mỗi tỉnh đều có quyền ra luật lệ riêng, theo đó tỉnh có thể tự soạn thảo điều lệ, quy định áp dụng cho tỉnh. Những điều lệ, quy định đó phải được Quốc vụ viện (chính phủ) phê duyệt mới được thực thi. Trường hợp chính quyền tỉnh Hải Nam soạn ra điều lệ sửa đổi trên cơ sở điều lệ năm 1994 cũng phải được chính phủ phê chuẩn.
Ông Tồn nói rằng, không phải trung ương mà là các cơ quan pháp luật địa phương đưa ra quy định mới. Nhiều học giả Trung Quốc và phương Tây cho rằng, đây cũng là một điều mập mờ; có khả năng cấp trên dung túng cấp dưới, cho phép họ “làm tới” để đo lường phản ứng của quốc tế, cũng như dễ bề “đổ lỗi” khi có sự cố.
Ông Ely Ratner, công tác tại Trung tâm An ninh Mỹ, nhận định, điều lệ mới này là biểu hiện mới nhất mà Trung Quốc vận dụng để uy hiếp về mặt ngoại giao, kinh tế và quân sự, nhằm nhấn mạnh chủ quyền của mình tại biển Đông và biển Hoa Đông.
Ông nói: “Trung Quốc muốn đi đến bước nào là một vấn đề. Họ đã thông qua những quy định pháp luật tương tự. Nhưng họ thật sự muốn bắt bớ những ngư dân hoặc những người vẫn luôn hành nghề đánh bắt cá tại lãnh hải quốc tế hoặc tại khu vực tranh chấp mấy thế kỉ nay sao?”.
Một quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ tại Đông Nam Á cảnh báo, hành động của Bắc Kinh có thể châm ngòi cho xung đột biển và làm tổn hại đến kinh tế khu vực. Futai Lin, Phó giáo sư khoa học chính trị Học viện Massachusetts (Mỹ), cho rằng, điều lệ mới của Trung Quốc thách thức tự do hàng hải trong khu vực có tranh chấp ở biển Đông.
Ông Rex Roble, nhà phân tích an ninh, cựu quan chức cao cấp trong hải quân Philippines, nhận định: “Trung Quốc muốn thăm dò Mỹ sẽ phản ứng ra sao, bởi biển Đông là một trong những tuyến đường biển đông đúc, nhộn nhịp nhất trên thế giới, hành động này sẽ ảnh hưởng đến tự do hàng hải”.
Tiếp nối việc tỉnh Hải Nam thông qua kế hoạch kiểm tra tàu thuyền nước ngoài trên biển Đông ngày 27-11, trong một tuần sau đó, hai tỉnh Chiết Giang và Hà Bắc của Trung Quốc cũng thông qua điều lệ tương tự về quản lý trị an biên phòng tàu bè ven biển.
Ông Bonnie Glasser, cố vấn Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ, nói: “Trung Quốc đang hướng vào Mỹ, vì họ cho rằng Mỹ sẽ không mạo hiểm đối đầu với Trung Quốc trong những vấn đề như vậy. Ở một vài phương diện nào đó, họ đang phô trương thanh thế trước Mỹ”.
Nhiều nước đã phản đối điều lệ sửa đổi của Trung Quốc vì nó phi lý, vi phạm luật pháp quốc tế.
Ông Juancho Sabban, Tư lệnh quân khu phía tây Philippines, nói: “Không thể làm như vậy được. Như vậy là đi ngược lại nguyên tắc thông hành quốc tế. Như vậy thật là quá đáng. Chúng ta đang cố gắng dùng những biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, nhưng Trung Quốc lại hành động như vậy”.
Điều lệ mới của Trung Quốc đưa ra hai điểm. Một là phân định rõ các tàu bè và nhân viên nước ngoài tiến vào vùng biển mà Hải Nam quản lý không được vi phạm sáu mục hành vi quản lý trị an biên phòng ven biển (dừng đỗ, thả neo, xuất nhập cảnh, lên các đảo do tỉnh Hải Nam quản lý một cách trái phép…).
Hai là quy định rõ biện pháp xử lý tàu thuyền nước ngoài xâm nhập trái phép vùng lãnh thổ biển do tỉnh Hải Nam quản lý.
Nếu tàu thuyền nước ngoài vi phạm một trong sáu mục trên, lực lượng biên phòng, cảnh sát biển có thể kiểm tra, khám xét, giam giữ, trục xuất, tịch thu…
Xuân Phúc
Theo báo chí Trung Quốc và Philippines