Trước bối cảnh dịch bệnh Covid19 bùng phát toàn cầu, các cơ quan tài chính của các nước trên thế giới phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn để làm thế nào đối phó với đại dịch bùng phát và chưa có dấu hiệu dừng lại, điều đó đồng nghĩa với nhu cầu chi ngân sách phát sinh rất lớn. Với vai trò là những nhà quản lý tài chính, các nước thành viên của Hiệp hội AIST đã có những chính sách tham mưu giúp Bộ Tài chính, Chính phủ của nước mình đưa ra những chính sách thiết thực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vừa duy trì ổn định nền kinh tế vừa đảm bảo làm sao đáp ứng được các yêu cầu phát triển nền kinh tế ổn định trong hoàn cảnh mới để phòng chống dịch COVID-19.
Tiếp nối những kết quả đạt được, hội nghị trực tuyến của hiệp hội AIST lần này được tổ chức với chủ đề chính là “Kiểm soát rủi ro” với mục tiêu xây dựng cẩm nang để hiệp hội các nước thành viên thiết lập cơ chế và công cụ kiểm soát rủi ro phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế của từng nước. Hội nghị gồm hai nội dung: (1) Hiệp hội AIST họp Đại Hội đồng AIST thông qua các biên bản họp Ban chấp hành, báo cáo hoạt động, báo cáo tài chính niên độ 2020, kế hoạch triển khai thực hiện của Hiệp hội AIST năm 2021; (2) một số nước thành viên trong hiệp hội có bài trình bày chia sẻ, trao đổi về “Các hệ thống Công nghệ thông tin của các cơ quan Kho bạc hiện nay”.
Tại hội nghị, Lãnh đạo KBNN Việt Nam nhất trí với quyết định của Ban Chấp hành AIST và Chủ tịch AIST, nhất trí với các báo cáo tài chính năm 2020. Bên cạnh đó, KBNN Việt Nam mong muốn được các thành viên chia sẻ tổng quát toàn bộ chu trình về công tác thu, chi ngân sách nhà nước; công tác kế toán; báo cáo tài chính nhà nước; giao dịch điện tử tương tác với khách hàng; cung cấp thông tin báo cáo cho các cấp chính quyền, bao gồm cả khía cạnh nghiệp vụ và khía cạnh kỹ thuật chung nhất trên các hệ thống CNTT; kinh nghiệm giải quyết vấn đề trong triển khai các bài toán cải cách nghiệp vụ và CNTT; Ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước dự báo luồng tiền, quản lý giao dịch, quản lý rủi ro. Với mục tiêu xây dựng một cẩm nang để hướng dẫn cho các cơ quan Kho bạc; tài chính công; kế toán công thiết lập một bộ máy và cơ chế kiểm soát rủi ro, cũng như huy động sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách thông qua các bài thuyết trình về các chủ đề Tổ chức, Công cụ, Nguồn nhân lực và Công nghệ Thông tin sẽ luôn là chủ đề được thảo luận sâu tại các hội thảo và cần được tiếp tục thảo luôn trong năm 2021. Cuối cùng KBNN Việt Nam cũng có một số đề xuất với hiệp hội AIST trong thời gian tới cụ thể: Thu thập thông tin về hiện trạng kiểm soát rủi ro kế toán ở tất cả các nước thành viên, trong đó có các thông tin về tổ chức và công cụ, nhân lực và ứng dụng công nghệ; cách thức thu thập thông tin; phương thức, hình thức thực hiện...
Tại phần thảo luận, đại diện một số nước thành viên hiệp hội AIST (Ucraina; Pháp; Cộng hòa Công gô) đã trình bày chia sẻ về thực trạng“Các hệ thống Công nghệ thông tin của các cơ quan Kho bạc hiện nay”. Theo đó, trước xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực tài chính-ngân sách đòi hỏi phải thay đổi trong phương thức quản lý, việc hiện đại hoá, ứng dụng công nghệ thông tin là yêu cầu, nhiệm vụ tất yếu của xu thế phát triển. Để phục vụ được các mục tiêu cụ thể, có nhiều nhiệm vụ cần phải thực hiện trên cả phương diện nghiệp vụ và phương diện kỹ thuật công nghệ, ứng dụng CNTT nhằm chuyển đổi phương thức giao dịch và quản lý sang nền tảng điện tử, một trong những thành tố rất quan trọng là xây dựng kiến trúc tổng thể về nghiệp vụ và kiến trúc hệ thống ứng dụng CNTT, từ đó cung cấp các dịch vụ điện tử/công nghệ số cho các đơn vị giao dịch, cơ quan quản lý, lấy đơn vị giao dịch và các cơ quan quản lý sử dụng dịch vụ làm trung tâm làm nền móng cho hạ tầng xây dựng và phát triển dịch vụ, tạo ra hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đa dạng, bền vững, với sự tham gia của nhiều loại hình cung ứng dịch vụ khác nhau…
Bài trình bày về lĩnh vực công nghệ thông tin đã thu hút sự quan tâm của nước thành viên, đồng thời nhận được nhiều câu hỏi cũng như chia sẻ của các thành viên về những kinh nghiệm bao gồm cả những thành công và những thách thức trong việc triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin vào các hoạt động giao dịch thực tiễn./.