Bão số 9 gây thiệt hại nặng nề :

Ít nhất 47 người chết, hơn 1.000 người bị thương

TPO – Theo thống kê đến 15h chiều nay của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, bão số 9 đã làm ít nhất 47 người chết và 19 người mất tích, hơn 1.000 người bị thương; 18.412 nhà sập đổ, tốc mái; gần 1.000 tàu thuyền bị chìm tại 7 tỉnh, thành phố.
Cảnh đổ nát tại thị xã Bến Tre sau khi bão số 9 đi qua. Ảnh : TTXVN

Bà Rịa – Vũng Tàu: Thiệt hại nặng nề với 34 người chết, 17 người mất tích và 466 người bị thương 

Theo thống kê của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến 19 giờ ngày 5/12, bão số 9 đã làm 34 người chết, 466 người bị thương, 17 người mất tích. 4349 nhà sập; 33.503 nhà tốc mái. Theo Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, hiện đã có 29 tàu bị chìm, 10 bè cá ở xã Long Sơn bị vỡ tan.

Hầu như các nhà máy, xí nghiệp, công ty trên địa bàn tỉnh đều đã nghỉ việc. Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh đã cho phép học sinh và giáo viên nghỉ học để đảm bảo an toàn và có điều kiện sửa chữa trường lớp.

Hiện tại, toàn tỉnh vẫn mất điện. Theo ghi nhận của phóng viên, đã có hàng trăm cột điện bị gãy đổ, chưa rõ đến khi nào mới khắc phục được để có điện cung cấp cho toàn tỉnh.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư đến 15h chiều nay bão đã gây ra thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho các địa phương nơi bão đi qua.

Sau khi đi qua Khánh Hòa lúc 20h ngày 4/12 và làm sập, tốc mái 81 căn nhà, chìm 2 tàu thuyền, bão số 9 đi qua Bình Thuận làm 2 người thiệt mạng, 180 ngôi nhà tốc mái, 2 tàu thuyền bị chìm, sạt lở 203 m kè biển.

Theo thông tin mới nhất của Ban phòng chống lụt bão tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, tại tỉnh này bão số 9 làm 18 người thiệt mạng, 11 người mất tích, gần 600 người bị thương. Số nhà sập và tốc mái gần 7.000 căn, 7 tàu thuyền bị chìm.

Tại Tiền Giang, bão cũng làm 2 người thiệt mạng, 20 người bị thương, làm sập và tốc mái gần 6.500 căn nhà, 25 tàu thuyền bị chìm.. Tại Bến Tre bão làm 10 người thiệt mạng, 78 người bị thương.

Nhiều nhà dân tại TX Bến Tre đã bị sập đổ. Ảnh : Phương Đông

Dù không đi trực tiếp vào Vĩnh Long nhưng bão số 9 cũng làm 4 người thiệt mạng, 6 người bị thương, sập 451 nhà và tốc mái 690 nhà khác. Tại Cần Thơ, bão làm 1 người bị thương, làm sập và tốc mái 242 ngôi nhà, và làm chìm 2 chiếc thuyền.

Đại diện Bộ Ngoại giao cũng cho biết hiện có 30 tàu cá của ngư dân Tiền Giang, 60 tàu của Bình Định, 30 tàu của Bến Tre và 1 tàu của Bạc Liêu hiện đang xin trú tránh bão tại vùng biển của Indonesia. Bộ Ngoại giao đã làm công hàm gửi cơ quan ngoại giao của Indonesia đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân Việt Nam vào trú tránh bão an toàn.

Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư cũng cho biết sau khi bão đi qua, tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu hỗ trợ 288 tấn gạo để cứu trợ cho bà con đi di dời và bị ảnh hưởng sau bão. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã phê bình tỉnh này vì chuẩn bị chưa tốt trong việc chuẩn bị hậu cần khắc phục hậu quả sau bão.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Kế hoạch cứu trợ phải đảm bảo cứu chữa cho những người bị thương không bị tử vong, không người dân nào bị đói, chôn cất chu đáo những người đã mất. Đồng thời huy động mọi lực lượng sửa chữa, khôi phục nhanh số nhà ở đã bị bão số 9 tàn phá để không ai bị rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất“. Trước mắt, Chính phủ đồng ý xuất 200 tấn gạo cứu trợ cho đồng bào đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận, là nơi bị bão gây thiệt hại nặng nề.

Về khắc phục hậu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu: Ngay từ bây giờ, các Bộ, ngành Bưu chính viễn thông, Điện lực, Giao thông vận tải khẩn trương khôi phục lại hệ thống thông tin liên lạc, điện lưới cũng như khai thông các tuyến đường bị mưa bão tàn phá ở các địa phương: Khánh Hòa, Bến Tre, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh...kể cả các hồ đập và công trình thủy lợi.

Phó Thủ tướng thường trực cũng yêu cầu các các địa phương cần tiếp tục nắm chắc lượng tàu bè đang trên đường vào nơi trú đậu, đặc biệt lưu ý bố trí chỗ neo đậu cho số tàu bè đang ở Phú Quốc và đảo Thổ Chu. Lực lượng quân đội và công an phải di dời ngay ngư dân trên các thuyền ở những nơi trên vào bờ đồng thời tổ chức bảo vệ tài sản cho bà con.

Cảnh giác với lốc xoáy trên biển Tây

Theo Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV T.Ư Bùi Minh Tăng, đến 15h chiều nay, bão tiến vào địa phận tỉnh Bạc Liêu và di chuyển về phía tỉnh Kiên Giang và Cà Mau với gió cấp 6, cấp 7. Dự kiến khoảng hơn 18h chiều nay bão sẽ đi hết địa phận Cà Mau và tiến ra biển Tây.

Đây là lần thứ ba liên tiếp trong hai ngày qua bão số 9 tiếp tục đi chệch hướng dự đoán trước đó của Trung tâm dự báo KTTV T.Ư khi tiệm cận vào tỉnh Khánh Hòa sáng nay rồi men theo biển đi về phía Nam.

Ông Tăng cũng cảnh báo các tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu cần đề phòng và cảnh báo nguy cơ lốc xoáy cho ngư dân đang hoạt động tại biển Tây vì theo dự báo bão sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km.

“Với tốc độ di chuyển này, khoảng chiều tối nay bão số 9 sẽ đi xuống vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và sau đó di chuyển đến khu vực phía tây vịnh Thái Lan. Các tàu thuyền cần đặc biệt chú ý vì với gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9 rất dễ gây ra lốc xoáy”- Ông Tăng cảnh báo.

Cũng theo ông Tăng các tỉnh Nam Bộ và vùng biển Cà Mau - Kiên Giang hiện đang có mưa to, có nơi mưa rất to nên cần đề phòng lốc xoáy và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh Cà Mau - Kiên Giang cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với thủy triều cao từ 2 - 3 mét và sóng biển cao từ 4 - 6 mét.