Việc phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện cuộc tấn công khủng bố đẫm máu cướp đi sinh mạng của 129 người ở thủ đô Paris của Pháp có thể thay đổi đáng kể cách nhìn nhận của tình báo Mỹ và phương Tây về khả năng thực hiện các cuộc tấn công được lên kế hoạch chu đáo và gây thương vong lớn của nhóm khủng bố, AFP dẫn lời các chuyên gia cho biết.
Trong buổi tối kinh hoàng ở Paris hôm thứ 6 tuần trước, ít nhất 7 kẻ khủng bố được trang bị súng AK, quấn đai bom quanh người, lên kế hoạch và tiến hành vụ tấn công liên hoàn cực kỳ tinh vi nhằm vào nhiều mục tiêu mà không một cơ quan tình báo Pháp hay phương Tây nào có manh mối để ngăn chặn.
"Đây hoàn toàn là một thất bại của tình báo", Ali Soufan, cựu quan chức chống khủng bố hàng đầu của FBI, người hiện đang điều hành một công ty an ninh quốc tế, nhận định.
Phương pháp liên lạc tinh vi
Ba tuần trước, Nick Ramussen, giám đốc NCTC thừa nhận trước Quốc hội Mỹ rằng các nhóm khủng bố ngày càng cho thấy khả năng liên lạc "nằm ngoài tầm theo dõi" của tình báo Mỹ, và khó khăn trong việc lần theo dấu vết các âm mưu khủng bố "tăng lên theo thời gian".
Theo ông Ramussen, việc cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tiết lộ các tài liệu mật về phương thức theo dõi của tình báo Mỹ đã tạo điều kiện cho khủng bố tìm ra biện pháp đối phó.
"Hiển nhiên là những thông tin bị lộ đã khiến chúng tôi mất dấu bọn khủng bố", ông Olsen tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn. "Chúng tôi nhận thấy nhiều người nằm trong danh sát giám sát của NSA dừng liên lạc hoàn toàn. Họ chuyển sang sử dụng các dịch vụ liên lạc mã hóa và những phương thức liên lạc khác, bởi họ nhìn ra những gì chúng ta có thể làm", cựu quan chức tình báo này nhấn mạnh.
Nhiều tháng sau khi Snowden tiết lộ hàng nghìn tài liệu mật, các quan chức Mỹ cho biết một số nghi phạm khủng bố, trong đó có những kẻ bị tình nghi liên hệ với IS, đã trao đổi với nhau rằng "sẽ không sử dụng cách liên lạc này nữa".
Các nghi phạm khủng bố cũng bắt đầu tránh các nhà cung cấp dịch vụ Internet Mỹ, chẳng hạn như Google và Yahoo, và chuyển sang sử dụng các nhà mạng nước ngoài để tránh bị theo dõi.
Vấn đề trở nên phức tạp do sự phổ biến của các ứng dụng liên lạc qua mạng mới, chẳng hạn như dịch vụ liên lạc mã hóa Tor. "Các ứng dụng WhatsApp và iMessage là vấn đề lớn", một cựu quan chức hành pháp Mỹ cho biết.
Các công tố viên Pháp cũng cho rằng những nghi phạm tham gia vào đợt tấn công ở Paris đã sử dụng một hình thức liên lạc mã hóa để lên kế hoạch tấn công và qua mặt các cơ quan tình báo Pháp, dù một số nghi phạm đã lọt vào tầm ngắm của họ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bỉ Jan Jambon cho rằng những kẻ khủng bố có thể đã sử dụng máy chơi game PlayStation 4 để liên lạc với nhau, lý do là rất khó để giám sát nội dung trao đổi trên hệ máy này. Các phương thức liên hệ đơn giản như gửi tin nhắn hay voice-chat trên hệ máy này có độ bảo mật cao hơn nhiều so với điện thoại, tin nhắn SMS hay thư điện tử.
"Chúng tôi tin rằng những đối tượng này có hiểu biết rất nhiều về các biện pháp an ninh, và chúng biết rõ rằng đang bị cơ quan tình báo theo dõi, nên đã có những biện pháp đối phó", một quan chức chống khủng bố cấp cao giấu tên của Pháp cho hay.
Cảnh sát Pháp canh gác biên giới sau khi xảy ra vụ khủng bố. Ảnh: Reuters.
Mạng lưới quy mô lớn
Soufan lưu ý rằng để thực hiện vụ thảm sát ở Paris, những kẻ khủng bố cần lập kế hoạch tỉ mỉ với sự hỗ trợ của một mạng lưới rộng lớn về vũ khí, chất nổ cũng như cách xác định các mục tiêu và các biện pháp chống theo dõi. Điều đó cho thấy tình báo phương Tây đã đánh giá sai về khả năng tấn công của IS, cũng như bất lực trước các biện pháp liên lạc tinh vi của những phần tử khủng bố.
Hơn một năm qua, các quan chức thực thi pháp luật và tình báo phương Tây đã nhấn mạnh mối đe dọa của các chiến binh nước ngoài, gồm khoảng 100 người có hộ chiếu Mỹ và hàng ngàn người có hộ chiếu châu Âu từng đến Syria và Iraq tham chiến cùng IS rồi lại hồi hương để tiến hành các cuộc tấn công ở quê nhà.
Tuy nhiên, tình báo phương Tây cho rằng IS chỉ có thể phát động tấn công bằng hình thức "sói đơn độc", những vụ khủng bố bộc phát, đơn lẻ, không có tổ chức và ít gây hậu quả nghiêm trọng. Họ xem nhẹ quan điểm cho rằng IS có ý định và khả năng tiến hành các cuộc tấn công quy mô cực lớn như vụ 11/9 của al-Qaeda.
"Chúng tôi đã không nhận thấy khả năng đó", Mathew Olsen, cựu giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ (NCTC), thú nhận. "Chúng tôi đã không thể chứng minh rằng chúng có thể thực hiện những cuộc tấn công như vậy, dù chúng từng đưa ra những lời đe dọa".
Olsen cho rằng các cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây giờ đây sẽ phải nhìn nhận lại khả năng tấn công của IS. Điều đó có nghĩa là một cuộc tấn công khủng bố gây thương vong lớn tương tự hoàn toàn có thể xảy ra trên đất Mỹ.
"Thực tế là các nhóm khủng bố cực đoan có thể tấn công bất cứ nơi nào", một cựu quan chức hành pháp cấp cao của Mỹ từng giám sát mối đe dọa IS trong chính quyền Tổng thống Obama, nói.
Tuy nhiên điều đáng báo động với các quan chức thực thi pháp luật và tình báo là họ sẽ gặp nhiều thách thức hơn khi theo dõi, phát hiện các âm mưu khủng bố bởi IS đang áp dụng các biện pháp liên lạc bí mật và tinh vi hơn.