“Một số (các nước châu Âu ký kết thoả thuận hạt nhân Iran) cho rằng, nếu họ nhượng bộ Trump các vấn đề khác ngoài thoả thuận hạt nhân, họ có thể khiến ông ta cam kết tuân thủ thoả thuận hạt nhân. Đây là một chính sách sai lầm, và chắc chắn sẽ có kết quả ngược lại. Chúng tôi đã nói rõ ràng với châu Âu”, Thứ trưởng Ngoại giao Iran, ông Seyyed Abbas Araghchi, nhấn mạnh.
Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm thứ Hai (22/1) cho biết, Washington sẽ cử một phái đoàn ngoại giao đến châu Âu vào tuần tới để giải quyết “những sai sót trong thoả thuận hạt nhân” do Iran ký kết với Nhóm P5+1, gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ) và Đức.
Động thái này là hành động đầu tiên của Mỹ nhằm thực hiện “tối hậu thư” của Tổng thống Donald Trump vào ngày 12/1. Theo Trump, Washington sẽ ngừng áp các lệnh trừng phạt hạt nhân đối với Iran lần cuối cùng, để Washington và các đồng minh châu Âu có “cơ hội cuối cùng” sửa đổi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) mà bỏ qua ý kiến của Iran, Nga và Trung Quốc.
Tuy chấp thuận việc miễn trừ các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan đến thỏa thuận hạt nhân, Washington lại áp đặt các hình thức trừng phạt khác đối với Tehran, với cáo buộc lạm dụng nhân quyền và phát triển tên lửa đạn đạo.
Hưởng ứng thông điệp của Trump, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm thứ Hai cho biết, Paris đã bắt đầu thảo luận về chương trình tên lửa của Iran với Tehran, bao gồm cả sự góp mặt của đại diện London và Berlin.
Iran lập tức phủ nhận có một cuộc họp như vậy diễn ra, đồng thời khẳng định, việc duy trì thoả thuận tên lửa chỉ nhằm mục đích phòng thủ. Nước Cộng hoà Hồi giáo bác bỏ thông tin tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Tehran cũng quan ngại, châu Âu sẽ thoả hiệp với mong muốn sửa lại JCPOA của Mỹ.
Trong khi, Nga nhiều lần cảnh báo, việc dỡ bỏ thoả thuận hạt nhân Iran sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho an ninh thế giới, trong đó có triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.