Mấy ngày qua, Jakarta hứng chịu đợt mưa lớn kỷ lục từng ghi chép được, gây ra lũ quét và sạt lở đất. Tính đến hôm qua, số người thiệt mạng ở thủ đô và các khu vực xung quanh đã lên đến 43, ngoài ra có hàng chục ngàn người khác phải đi sơ tán, cơ quan phòng chống thiên tai của nước này cho biết.
Cơ quan công nghệ Indonesia (BPPT) và không quân nước này tiến hành 3 đợt phun muối lên mây trong ngày 3/1 và dự kiến còn thực hiện thêm nữa, một quan chức của BPPT cho biết.
Phun muối lên mây là cách để gây mưa, từ đó khiến mây tan ra trước khi đến Jakarta.
“Chúng tôi phun muối lên mây mỗi ngày nếu cần thiết”, giám đốc BPPT, ông Hammam Riza, nói với báo giới.
Indonesia thường sử dụng biện pháp phun muối lên mây để dập cháy rừng trong mùa khô.
Trận lụt xảy ra sau cơn mưa lớn hôm 31/12 và sáng ngày đầu năm mới đã gây ngập lụt nghiêm trọng ở Jakarta và các khu vực xung quanh, ảnh hưởng đến khoảng 30 triệu người.
Trận lụt ngay đầu năm 2020 này là hậu quả của một trong những cơn mưa lớn nhất từng ghi chép được kể từ năm 1866, Cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia hôm nay cho biết.
Cơ quan này cho rằng biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan và cảnh báo tình trạng mưa lớn bất thường có thể kéo dài đến tận giữa tháng 2.
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy nước lũ ngập tràn nhiều khu vực của thành phố lớn nhất Đông Nam Á và nhấn chìm nhiều ô-tô, khiến một số chiếc leo lên những xe khác.
Tổng thống Joko Widodo cho rằng sự trì hoãn triển khai các dự án hạ tầng kiểm soát lũ là nguyên nhân thảm hoạ lần này. Dự án xây một con kênh bị trì hoãn từ năm 2017 do các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Năm ngoái, ông Widodo thông báo sẽ chuyển thủ đô đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo để giảm gánh nặng lên thủ đô Jakarta đã quá tải.
Hơn 50 người thiệt mạng trong một trong những trận lụt gây chết người nhiều nhất ở Jakarta năm 2007. Cách đây 5 năm, trung tâm thành phố này bị ngập lụt nghiêm trong sau khi các con kênh bị tràn bờ.
Mỗi năm, Jakarta chìm xuống vài centimet ở khu vực phía bắc do tình trạng khai thác nước ngầm trong nhiều năm.