Huyện Đông Anh bác thông tin vỡ đê Xuân Nộn

TPO - Về một số thông tin trên mạng xã hội cho rằng đê Xuân Nộn (huyện Đông Anh) bị vỡ lúc 2h30 sáng 12/9, đại diện UBND huyện Đông Anh khẳng định là thông tin sai sự thật. 

Sáng 12/9, nước sông Cà Lồ lên cao đã tràn qua bờ bao ở thôn Kim Tiên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Nước dâng lên nhanh đã khiến ngập toàn bộ hơn 400 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu ở thôn Kim Tiên bị ảnh hưởng. Trước đó, UBND huyện Đông Anh, UBND xã Xuân Nộn đã thông báo, vận động nhân dân thôn Kim Tiên di chuyển khỏi vùng trũng để tránh ngập lụt.

Về một số thông tin trên mạng xã hội cho rằng đê Xuân Nộn (huyện Đông Anh) bị vỡ lúc 2h30 sáng 12/9, đại diện UBND huyện Đông Anh khẳng định là thông tin sai sự thật.

"Khu vực đê quai có tràn nước do nước sông dâng cao. Huyện đã di dời người dân về khu vực an toàn trước đó", đại diện UBND huyện nói.

Đê quai Xuân Nộn đêm 11/9

Thông tin từ UBND huyện Đông Anh cho biết, trên địa bàn huyện Đông Anh có 36,05km đê (đê Tả Hồng cấp I dài 15,9km, đê Tả Đuống cấp I dài 8,2km, đê hữu Cà Lồ cấp II dài 9,0km; đê Bối chưa phân cấp dài 3,75km) với 12 xã ven sông (trong đó: Ven sông Cà Lồ có 04 xã; Ven sông Hồng có 5 xã; Ven sông Đuống có 3 xã).

Ven sông Cà Lồ có 4 xã ven sông (có 3 xã có đê, 1 xã không có đê); diện tích khu vực bãi sông là 191 ha, với 2.062 người đang sinh sống (chủ yếu tập trung tại thôn Kim Tiên với 415 hộ, 1.899 người được bảo vệ bởi đê Bối). Ven sông Hồng có 5 xã ven sông, với tổng diện tích tự nhiên là 1.899ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 911 ha, diện tích khu dân cư là 149 ha, với 2.969 hộ gia đình, 11.908 người sinh sống). Ven sông Đuống có 03 xã, với tổng diện tích tự nhiên là 290 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 283 ha, diện tích khu dân cư là 51,6 ha, với 1.192 hộ gia đình 4.771 người sinh sống).

Huyện Đông Anh luôn bám sát diễn biến, tình hình mực nước ở các sông từ đó kịp thời chỉ đạo các đơn vị tập trung nhân lực, phương tiện để triển khai ngay các phương án ứng phó nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Kết quả bước đầu cụ thể: Công tác đảm bảo 4 tại chỗ: Chủ động rà soát và triển khai thực hiện đảm bảo “4 tại chỗ” (vật tư tại chỗ, nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ), đặc biệt là huy động nhân dân, các lực lượng công an, quân sự, thanh niên, lực lượng xung kích để hỗ trợ gia cố các đoạn đê, kè xung yếu; hỗ trợ người dân sơ tán tài sản, hỗ trợ di dời đối với người già, trẻ nhỏ đến nơi an toàn. Đến nay không xảy ra thiệt hại về người.

UBND huyện đã hỗ trợ di dời, sơ tán nhân dân đến nơi an toàn: 100% các hộ gia đình, cá nhân trong diện di dời đều đã được di dời và đảm bảo tuyệt đối an toàn. Hầu hết các hộ gia đình, cá nhân nằm trong diện phải di dời đều đã chủ động liên hệ với người thân trên địa bàn để di dời đến đảm bảo tuyệt đối an toàn; một bộ phận người dân được di dời đến các điểm tập trung do Huyện và xã bố trí; đối với một bộ phận các cháu học sinh được bố trí, sắp xếp ăn, ở và học tập tại một số điểm trường các xã...