Trước đó, có nhiều đơn tố cáo doanh nghiệp kinh doanh đa cấp này lôi kéo dân tham gia mạng lưới khám, chữa bệnh trái phép nhằm huy động vốn.
Theo phản ánh của dân, khi tham gia vào mạng lưới kể trên, khách hàng phải nộp số tiền 11,8 triệu đồng để được cấp một mã, với mức lãi suất “khủng” 200%, kèm theo lời hứa sau 2 năm không cần làm gì vẫn nhận được 25 triệu đồng. Thấy dễ hái ra tiền, hàng trăm người đã tham gia vào mạng lưới, với mức đóng từ vài triệu đồng đến tiền tỷ.
Tuy nhiên, quá trình chờ đợi hưởng lãi suất “khủng” không thấy đâu, người dân yêu cầu phía công ty trả lại tiền thì phát hiện khoản đầu tư này đã bị trừ vào số quà tặng mà khách hàng đã nhận và sử dụng trước đó. Ông H.T, ngụ đường Đinh Tiên Hoàng - thành phố Huế, cho biết: Sau khi nộp tiền, khách hàng được cấp mã tham gia mạng lưới còn nhận kèm các sản phẩm. Cứ nghĩ đó là quà tặng, nên khách hàng đưa về dùng, lúc đến công ty yêu cầu trả lại tiền cấp mã ban đầu thì được biết, khoản này đã bị trừ vào tiền hàng.
Theo nhiều người dân, Cty Thiên Ngọc Minh Uy lôi kéo số đông khách hàng tham gia vào mạng lưới khám chữa bệnh, nhưng doanh nghiệp này lại không hề được cấp phép hoạt động về chức năng y tế kể trên.
Trước tố cáo của dân liên quan vấn đề lừa đảo, theo chỉ đạo từ UBND tỉnh TT-Huế, Chi cục QLTT và các cơ quan chức năng địa phương hiện tiến hành thanh tra, kiểm tra trên diện rộng đối với tất cả 25 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trên địa bàn, để làm rõ hoạt động của các đơn vị này.
lTại Đắk Lắk, theo báo cáo của sở Công thương, từ tháng 8/2015 đến 14/1/2016 sở đã chỉ đạo kiểm tra 2 đợt, qua đó xử phạt với số tiền hơn 177 triệu đồng các cơ sở đa cấp, trong đó chủ yếu là của Thiên Ngọc Minh Uy. Thực tế, một số cơ sở bán hàng đa cấp không có văn phòng đại diện hay trụ sở làm việc mà chỉ thông qua một hộ kinh doanh đứng tên rồi lấy đó làm địa điểm hoạt động.